Ông Y Giang Gry Knơng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (áo trắng) - trao giấy chứng nhận vay vốn cho nông dân huyện Buôn Đôn - Ảnh: THẾ THẾ
Sáng 19-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty GREENFEED, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã tổ chức lễ trao vốn cho 40 hộ nông dân tại huyện Buôn Đôn. Lễ trao vốn nằm trong chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" thuộc Chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ…
Chương trình hỗ trợ 40 hộ nông dân trên địa bàn hai xã Ea Huar, Ea Bar của huyện Buôn Đôn, với tổng giá trị 960 triệu đồng…
"Chỉ mong mẹ khỏe để con báo hiếu"
Quang cảnh giao lưu buổi trao vốn - Ảnh: THẾ THẾ
Buổi lễ xúc động với câu chuyện của những người cha, người mẹ dẫu còn nhiều khó khăn nhưng không đầu hàng số phận, quyết chí làm giàu để con cái được học hành đến nơi đến chốn. Trong số những nông dân nhận vốn, có những anh chị cuộc sống gia đình không ấm êm, thiếu may mắn nhưng những cánh cò đơn độc vẫn tảo tần sớm hôm để nuôi đàn con thơ nheo nhóc. Vì con, các chị không gục ngã, muốn con cái lớn khôn, có ăn có học…
Đến với buổi lễ, chị Vũ Thị Thiệp (43 tuổi, trú thôn Yang Pông, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) và con gái rất hồi hộp vì đại diện 40 hộ gia đình giao lưu với mọi người. Như mọi người mẹ, chị Thiệp khao khát có được đồng vốn để thoát khỏi cái nghèo để con cái có một cuộc sống ít gian truân hơn.
Chị nói, cuộc sống hôn nhân không suôn sẻ, chị nuôi hai con út, chồng nuôi con gái cả. Con gái cả đậu đại học, chồng cũ không đủ điều kiện để lo, chị lần nữa dang đôi vai gầy guộc ra gánh vác. "Tôi không muốn các con thất học, nghèo chữ nghĩa để rồi lại khổ, lại khó. Có được đồng vốn, tôi sẽ nuôi nhốt bò để vỗ béo, kiếm thêm thu nhập để các con yên tâm đến trường", chị Thiệp tự tin.
Ngồi lặng lẽ bên mẹ, bất ngờ được MC chương trình hỏi về mong ước tương lai, em Nguyễn Thị Minh Châu - sinh viên năm 3 Trường ĐH Hùng Vương, nói: "Con chỉ mong mẹ khỏe, đợi con học xong ra trường để báo hiếu cho mẹ".
Nông dân nhận vốn tại chương trình - Ảnh: THẾ THẾ
Châu kể ba năm trước đậu đại học nhưng vì thiếu chút nữa phải nghỉ ngang. Châu khóc vì tương lai bị chặn đứng bởi chữ nghèo. Nhưng khi được mẹ động viên, Châu quyết tâm học hết đại học để thoát nghèo chữ nghĩa, để lo cho mẹ và hai em…
Trong khi đó, khi xem phóng sự về gia cảnh anh Vũ Văn Tuấn (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã gần 10 năm nay sống trong cảnh gà trống nuôi con, nhiều người đã rơm rớm nước mắt.
Suốt 8 năm nay, anh sớm hôm vừa làm cha, vừa làm mẹ để con cái trưởng thành, được học hành với bạn bè cùng trang lứa. Anh nói, vợ mất, anh mang nỗi đau đớn trong tim nhưng không thể gục ngã vì còn hai con. "Mình làm cha đâu nỡ nhìn con học giỏi phải nghỉ ngang", anh Tuấn tâm sự….
Trao giải pháp cho nông dân…
Chương trình tiếp sức nhà nông tại Đắk Lắk - Ảnh: THẾ THẾ
Có mặt tại buổi lễ, ông Y Giang Ry Niê Knơng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nói rất xúc động khi nghe về câu chuyện các hộ dân tại miền đất cằn biên giới Buôn Đôn.
Ông Y Giang Gry cho biết, tính đến cuối năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 80.000 hộ dân (15% dân số) nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, toàn tỉnh có đến hơn 104.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng.
"Những năm qua Đắk Lắk có nhiều giải pháp để cho người dân có cơ hội thoát nghèo, con em được yên tâm đến trường. Chính quyền địa phương cùng các cơ quan, doanh nghiệp chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân thay đổi cách thức trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả hơn, giúp người dân sớm thoát nghèo. Những nỗ lực của chính quyền địa phương là chưa đủ", ông Y Giang Gry tâm sự.
Ông Hồ Tâm Đức - giám đốc điều hành GREENFEED chi nhánh Bình Định - phát biểu tại chương trình - Ảnh: THẾ THẾ
Ông Y Giang Gry nói thêm, chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" thuộc Chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ và Công ty GREENFEED đã liên tục thực hiện 12 năm qua. "Chương trình không chỉ cung cấp sự hỗ trợ tức thời mà còn trao giải pháp bền vững. Bên cạnh trao vốn, với thế mạnh của mình, GREENFEED còn tổ chức nhiều buổi tập huấn, tư vấn kiến thức, bao tiêu sản phẩm để bà con nông dân tự tin làm ăn.
"Hy vọng với chương trình này, các gia đình nỗ lực làm ăn để sớm thoát nghèo. Các cháu học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, vượt khó để học giỏi hơn nữa, sớm hoàn thành ước mơ thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước…", ông Y Giang Gry nói.
Đáp từ lời ông Y Giang Gry, ông Hồ Tâm Đức - giám đốc điều hành GREENFEED chi nhánh Bình Định, cho biết năm vừa qua, đời sống thường nhật và hoạt động kinh tế của người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng cùng cả nước nói chung đã gặp nhiều biến động do đại dịch. Vượt khó khăn, GREENFEED vẫn quyết định trao vốn cho nông dân, học bổng cho con em.
"Chương trình hướng đến mục tiêu giúp các hộ nông dân, đặc biệt là chị em phụ nữ có thêm điều kiện để cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững, giúp con em họ yên tâm đến trường", ông Đức tâm sự.
Theo ông Đức, đây là năm thứ 12 trên chặng đường chia sẻ "điều lành" cùng nông dân, đặc biệt là chị em phụ nữ. Đến nay chương trình đã trao vốn cho 2.260 hộ tại 18 tỉnh, thành trên toàn quốc với tổng kinh phí lên đến 65 tỉ đồng.
"Chúng tôi cũng tin rằng, chương trình năm nay sẽ là bước đệm ý nghĩa để GREENFEED Việt Nam tiếp tục đồng hành, san sẻ nỗi lo về kinh tế và có thêm nhiều đóng góp cho người dân tỉnh Đắk Lắk trong những năm tiếp theo...", ông Đức nói.
TTO - Những người cha, người mẹ nơi vùng đất cằn Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) không đầu hàng số phận, quyết thoát nghèo cho con cái giàu chữ nghĩa…
Xem thêm: mth.56372803191211202-gnuv-neb-pahp-iaig-ioht-cut-oart-nov/nv.ertiout