Vào tháng 4/2016, một bộ phim tài liệu nghiên cứu dài 4 phút đã được phát hành đến công chúng. Nội dung của nó là khám phá về những áp lực đang đặt lên vai những người phụ nữ độc thân ở Trung Quốc, và giới thiệu đến thế giới một thuật ngữ có tên: "sheng nu", dịch là "những người phụ nữ bị bỏ rơi". Với những người phụ nữ Trung Quốc được sinh ra từ những năm 1980 đến nay, đó là một khái niệm quá quen thuộc. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, nó thật sự khá mới mẻ!
"Sheng nu" được dùng để chỉ bất kỳ phụ nữ nào trên 27 tuổi và vẫn còn độc thân. Họ là thế hệ phụ nữ đang tiếp cận với một nền tư tưởng giáo dục mới hơn, phát triển tự do kinh tế và theo đuổi một lối sống hiện đại hơn so với cha mẹ của họ. Tuy nhiên, quan niệm của xã hội Trung Quốc vẫn không thay đổi. Kết hôn muộn có nghĩa là bạn đang làm điều gì đó khá sai trái trong mắt mọi người.
Leta Hong Fincher, tác giả của bộ phim tài liệu "Leftover Women: The Resurgence of Gender" của Trung Quốc, cho biết: "Nếu bạn nhìn vào khoảng thời gian trước năm 2007, sẽ không có sự lo lắng tột độ và bất thường gì xung quanh vấn đề hôn nhân". Cô tin rằng chính phủ Trung Quốc đang quan tâm đến việc tạo ra một lực lượng lao động mới, được gọi là "chất lượng cao", để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Họ đã đặt ra thuật ngữ này như là một phần của chiến dịch tuyên truyền tích cực, nhằm ép buộc tách rời những người phụ nữ có trình độ học vấn ra khỏi lực lượng lao động, đi lấy chồng và làm mẹ. Với tỷ lệ sinh giảm và tác động tiêu cực của vấn đề già hóa dân số đối với nền kinh tế, xã hội đang khiến nhiều phụ nữ tin rằng nếu họ trì hoãn việc kết hôn, sẽ không ai muốn kết hôn với họ sau này nữa.
Chiến dịch này đặc biệt hiệu quả khi đề cập đến vai trò của gia đình trong văn hóa của Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc sống khá cứng nhắc, có thứ bậc, và các thành viên trong gia đình truyền thống rất chú trọng đến trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình. Đối với thế hệ phụ nữ Trung Quốc hiện đại, họ luôn phải tìm cách để có thể cân bằng cuộc sống của mình, cố gắng vừa làm cho thế hệ cũ hài lòng, vừa phải theo kịp với tốc độ hiện đại hóa không ngừng của đất nước.
Một bộ phim tài liệu được sản xuất bởi hãng mỹ phẩm chăm sóc da cao cấp của Nhật Bản SK-II (được quảng cáo với hashtag #changedestiny), cũng đã được tạo ra như một lời kêu gọi các phụ nữ trẻ tiếp tục đấu tranh theo cách riêng của họ để có được một cuộc sống hạnh phúc.
SK-II: Marriage Market Takeover (Please turn on subtitle)
Li Chenxi, ngôi sao của bộ phim tài liệu "China’s Fake Boyfriends" của đài truyền hình Al Jazeera, đã từng phải chi tiền để thuê một người lạ, đẹp trai, giả làm bạn trai của mình. Mục đích là để xoa dịu nỗi lo lắng của cha mẹ cô khi cô vẫn còn độc thân. Những năm khi cô gần 30 tuổi, cô làm việc ở vị trí là một nhà thiết kế cảnh quan tại Bắc Kinh, cách quê hương của cô là thành phố Harbin khoảng 750 dặm về phía nam. Mỗi dịp Tết đến, Li Chenxi phải đi một quãng đường dài để về nhà và đối mặt với nỗi thất vọng nặng nề của cha mẹ khi cô về nhà một mình. Cô nói trong bộ phim tài liệu: "Sheng nu không phải là một từ ngữ mang tính tích cực. Trong tiếng Trung, nó ám chỉ một ai đó đang trong tình trạng bị bỏ rơi."
Li Chenxi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho người bạn trai giả của mình xem những bức ảnh của gia đình cô và xác nhận các chi tiết về mối quan hệ bịa đặt của họ. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng kế hoạch của cô vẫn bị chệch hướng. Mẹ cô đã chế giễu cô khi gặp người bạn trai giả: "Chàng trai này quá cao và quá đẹp trai so với con. Con cần tìm một người đàn ông khác thấp và giản dị hơn".
Daniel Holmes, nhà làm phim của "China’s Fake Boyfriends", đã bị hấp dẫn bởi khái niệm "sheng nu" sau khi anh ta chuyển đến Trung Quốc vào năm 2013. Holmes làm việc tại một hãng thông tấn, nơi mà hầu hết các đồng nghiệp của anh đều là phụ nữ trẻ từ 24 đến 34 tuổi. Anh kể rằng: "Họ thông minh, thành công và bị ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực của xã hội về vấn đề kết hôn sớm. Tôi thường nghe những tâm sự từ những người bạn và đồng nghiệp về áp lực mà họ cảm thấy khi kết hôn và điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào. Mặt khác, tôi cũng được nghe những câu chuyện phiếm trong văn phòng về các đồng nghiệp nữ còn độc thân, mọi người đều nói họ quá già để có thể tìm được bạn đời. Khi tôi nghe nói về những cách tiêu cực mà một số người vẫn đang làm để xoa dịu nỗi lo của cha mẹ họ. Tôi muốn xem xét sâu hơn về những điều khiến "sheng nu" bị kỳ thị, cảm giác của họ khi bị gán cho cái tên này, và tìm hiểu về một số lý do có liên quan đến văn hóa và lịch sử đằng sau thuật ngữ này".
Holmes nhận định rằng: "Đối với Li Chenxi, việc thuê bạn trai không phải là cách để đáp ứng mong muốn của cha mẹ. Đó là một cách để chống lại áp lực và nó giúp cô có thể tiếp tục theo đuổi con đường sự nghiệp của mình".
Vivienne Chow, 38 tuổi, một nhà phê bình văn hóa ở Hồng Kông, đã thẳng thắn chia sẻ về cảm giác thiếu thốn mà cô và những người bạn độc thân khác phải trải qua. Cô nói: "Xã hội sẽ luôn khiến bạn cảm thấy còn thiếu điều gì đó trong cuộc sống của mình. Điều mà hầu hết mọi người thường làm chính là đi học, kiếm được một công việc tốt, tiết kiệm tiền, tích góp tài sản, kết hôn và sinh con. Đó là hành trình cuộc sống của mỗi con người. Vì vậy, nếu bạn không tiếp tục và hoàn thành hành trình đó thì có nghĩa là cuộc sống của bạn sẽ thiếu đi một thứ gì đó".
Một người phụ nữ, 40 tuổi, giám đốc nhân sự của một công ty dầu khí, đã gặp được ý trung nhân và là người chồng hiện tại của mình, họ gặp nhau thông qua một dịch vụ mai mối độc quyền. Cô có biết về thuật ngữ "sheng nu", nhưng cô nói nó không được sử dụng phổ biến tại đây: "Nó không được sử dụng nhiều ở Singapore, nhưng họ vẫn sẽ gọi bạn là một spinter, một người phụ nữ chưa chồng". Cô chia sẻ rằng gia đình cô đã dần chấp nhận lối sống độc thân của cô. Tuy nhiên, cô vẫn nhận được một số lời nói không mấy tốt đẹp từ gia đình và bạn bè vì tình trạng chưa kết hôn của mình: "Họ sẽ nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với bạn. Chắc bạn rất kén chọn và có thể bạn quá chú tâm cho sự nghiệp".
Trong đoạn quảng cáo theo hình thức phim tài liệu của hãng mỹ phẩm SK-II, đã đạt được hơn 2 triệu lượt xem, tất cả mọi câu chuyện đều mang cái kết tốt đẹp, mỹ mãn. Những người phụ nữ đối diện với cha mẹ của họ trong một cảnh xúc động, trong đó họ giải thích lý do cho quyết định sống độc thân của mình. Nước mắt rơi, và mọi gánh nặng kỳ vọng được gạt sang một bên. Đây là một đoạn phim quảng cáo và nó phải có một kết thúc tốt đẹp. Tuy nhiên, Fincher nhận định rằng đoạn phim quảng cáo này một phần đã truyền cảm hứng cho khá nhiều người: "Áp lực hôn nhân quá dữ dội và kinh khủng. Bạn phải có một ý chí và cá tính rất mạnh mẽ để chịu được áp lực hôn nhân đến từ mọi phía".
Mai Lâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị