Sầu riêng là 1 trong 4 loại cây trồng có sản lượng và hiệu quả kinh tế cao, diện tích canh tác mở rộng liên tục thời gian qua. Trong khi 3 loại quả kia đã phải trải qua nhiều đợt rớt giá thê thảm thì sầu riêng vẫn giữ được giá cao, trừ một thời gian ngắn giảm giá do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chính vì tiêu thụ dễ dàng nên việc xây dựng thương hiệu cho sầu riêng chưa được nhiều nhà vườn quan tâm.
Dễ bán nên ít chăm chút
Theo ghi nhận của phóng viên, sầu riêng đang nghịch vụ nên có giá cao. Ngay thời điểm này, ở các điểm bán vỉa hè tại TP HCM, giá sầu riêng 80.000 - 100.000 đồng/kg loại nguyên trái, tương đương khoảng 300.000 đồng/kg đối với cơm sầu riêng.
Trong khi đó, mít Thái từng có thời gian giá tương đương sầu riêng nhưng nay chỉ còn 30.000 đồng/kg loại bóc múi, rẻ bằng 1/10 sầu riêng. Dù giá cao như vậy nhưng người mua sầu riêng chỉ biết trông cậy vào sự lựa chọn của người bán, không rõ sản phẩm mình mua có nguồn gốc xuất xứ thế nào, được chăm bón ra sao…
Vừa qua, tại một hội nghị trực tuyến về kết nối nông sản, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho hay người tiêu dùng rất chuộng sầu riêng miền Nam. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng rất lúng túng khi mua sầu riêng vì thiếu sự tư vấn, không biết khi nào thì quả chín.
"Sầu riêng có giá trị cao, nếu mua phải quả hỏng thì về sau người tiêu dùng rất cảnh giác. Do vậy, với loại đặc sản này, cần có tiêu chuẩn rõ ràng: quả phải có kích cỡ, độ già như thế nào để bảo đảm chất lượng thì mới được đưa lên kệ hàng" - bà Hậu đề xuất.
Ông Nguyễn Trung Dũng, quản lý cửa hàng Wefarmer (đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP HCM), phản ánh trong quá trình tìm nguồn sầu riêng về bán, ông nhận thấy các chủ vườn thích bán cho thương lái làm hàng xuất khẩu hơn.
"Bán cho thương lái nhanh hơn vì họ cắt chỉ vài đợt là xong, trong khi bán cho các cửa hàng nội địa phải đợi trái già để chín tự nhiên. Các vườn sầu riêng có chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam) rất hiếm. Tuy nhiên, cũng có một số nhà vườn, HTX muốn bán được sản phẩm ngon đến người tiêu dùng nên chịu khó thực hiện. Đơn cử, HTX Tân Phú (tỉnh Bến Tre) cung cấp nguồn hàng rất tốt, chúng tôi bán lẻ được người tiêu dùng ưa chuộng" - ông Dũng dẫn chứng.
Kho sầu riêng tiêu chuẩn VietGAP của một doanh nghiệp chuyên cung cấp sỉ tại thị trường nội địa
Hiệu quả bước đầu
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc HTX Tân Phú, cho biết sản phẩm của HTX có chứng nhận VietGAP và chỉ dẫn địa lý. Bà Thinh nhìn nhận: "So với canh tác thông thường, sản phẩm của chúng tôi có tiếng hơn, dễ bán hơn. Đợt dịch vừa qua, khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc khó khăn, chúng tôi có thể bán cho thị trường nội địa với giá tốt".
Lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường vào cuối năm 2018, thương hiệu sầu riêng Huỳnh Lâm (Lesvents) có doanh số không đáng kể. Sau 3 năm, đến nay Lesvents đã đạt doanh số 100 tấn/tháng và chỉ bán cho thị trường nội địa. Đây là đơn vị hiếm hoi bảo đảm sản lượng gần như quanh năm nhờ hệ thống nhà vườn liên kết rộng khắp các vùng nguyên liệu. Chị Võ Bạch Lê, chủ nhân Lesvents, cho biết lợi thế của Huỳnh Lâm là nhà cung cấp phân bón hữu cơ chuyên cho cây sầu riêng nên am hiểu về vùng nguyên liệu.
"Nông dân sẽ trồng theo quy trình của chúng tôi, được thu mua với giá ổn định theo 2 mùa thuận - nghịch. Sầu riêng là một sản phẩm khó nhưng thị trường cần nên chúng tôi đưa hàng vào các hệ thống siêu thị rất dễ dàng, nhanh chóng. Không chỉ các hệ thống siêu thị như: Co.opmart, Lotte Mart, Kingfoodmart… mà các cửa hàng trái cây cao cấp vẫn giữ thương hiệu sầu riêng Huỳnh Lâm chứ không dán nhãn riêng" - chị Lê tự hào.
Theo chị Lê, thị trường nội địa của sầu riêng Việt Nam còn rộng, nhiều đơn vị tham gia thì mới cung cấp đủ. Tuy nhiên, đây là loại quả khó làm, người bán phải tính toán được tỉ lệ hao hụt do mất ký tự nhiên và lựa chọn để ít gặp quả hư, phải đổi trả cho khách. Vì vậy, đơn vị nào cũng phải trả giá không ít trước khi thành công.
Không chọn con đường bán sầu riêng tươi, Công ty TNHH Song Mỹ Group phát triển sản phẩm sầu riêng cấp đông từ giống Monthon vùng Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) và mới tung sản phẩm hồi tháng 9 vừa qua. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang, giám đốc công ty, cho biết tín hiệu thị trường khá tốt, khách hàng chủ yếu là dân văn phòng, hiểu về sản phẩm đông lạnh. "So với sầu riêng đông lạnh nhập khẩu, giá sầu riêng Việt chỉ bằng một nửa. Công ty thu mua sản phẩm chính vụ, để chín tự nhiên và cấp đông bán quanh năm" - bà Trang chia sẻ.
Theo ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Kinh tế hợp tác - Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất. "Thương nhân nước này đang chuyển qua nhập cơm sầu riêng thay vì nguyên trái. Lý do là tiện cho việc vận chuyển và chắc chắn về chất lượng, không phải lo quả đẹp bên ngoài, hư bên trong. Do đó, các vùng nguyên liệu sầu riêng nên chú ý đầu tư nhà xưởng sơ chế, đóng gói để đáp ứng yêu cầu thị trường" - ông Hải khuyến cáo.
Phải sớm mở cửa thị trường
Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết những năm qua, giá sầu riêng tốt là do cung chưa đủ cầu. Tuy nhiên, diện tích sầu riêng sắp thu hoạch trong thời gian tới rất lớn nên cần phải tìm đầu ra. Những năm trước, sầu riêng được xuất khẩu sang Mỹ, Úc nên giá tốt, nay nhiều doanh nghiệp tham gia đang có dấu hiệu cạnh tranh giá rẻ. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc vẫn chưa cho phép nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, việc tiêu thụ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần sớm đàm phán mở cửa được thị trường này.
Xem thêm: mth.76771759191211202-teiv-gneir-uas-ohc-ueih-gnouht-gnud-yax/et-hnik/nv.moc.dln