Trong nhiều năm qua, chính phủ Mỹ có thêm một "nghề tay trái" là bán đấu giá bitcoin và các loại tiền mã hóa khác.Dù vậy, Washington lại chọn thời điểm bán khá tồi.
Chẳng hạn, 500 bitcoin mà chính phủ Mỹ bán cho Riot Blockchain năm 2018 với giá 5 triệu USD giờ đáng giá hơn 23 triệu USD. Còn 30.000 bitcoin mà tỷ phú Tim Draper mua với giá 19 triệu USD năm 2014 có giá thị trường hơn 1,3 tỷ USD vào ngày hôm nay.
Chính phủ Mỹ thu giữ số bitcoin này từ các chiến dịch bắt giữ tội phạm cỡ lớn cùng với những loại tài sản thông thường khác. Tất cả đều được thanh lý theo cách giống nhau.
Ông Jarod Koopman, Giám đốc đơn vị chống tội phạm mạng của Sở Thuế vụ (IRS) cho biết: "Tài sản được đấu giá có thể là 10 chiếc du thuyền, 12 ô tô hoặc một lô bitcoin".
Hoạt động tịch thu và bán tiền mã hóa đang mở rộng nhanh đến mức chính phủ Mỹ vừa phải nhờ cậy đến sự trợ giúp của khu vực tư nhân.
Tịch thu và lưu giữ bitcoin
Theo luật hình sự ở Mỹ, quy trình tịch thu và đấu giá bitcoin cùng các loại tiền mã hóa khác có ba khâu chính. Giai đoạn đầu là khám xét và thu giữ. Giai đoạn hai là thanh lý. Và thứ ba là phân bổ số tiền thu được từ việc mở bán tiền mã hóa.
Giám đốc Koopman cho biết giai đoạn đầu thường cần đến sự phối hợp của nhiều bên. Đơn vị tội phạm mạng của Sở Thuế vụ thường hợp tác điều tra cùng các cơ quan chính phủ khác, ví dụ như FBI, Sở Mật vụ, Bộ An ninh Nội địa hay Lực lượng Chống Ma túy.
Ông Koopman nói, đơn vị của ông tại IRS thường đảm nhiệm truy vết tiền mã hóa và khai thác thông tin tình báo nguồn mở, bao gồm điều tra hành vi trốn thuế, khai thuế sai lệch và rửa tiền.
Đội của ông bao gồm các viên chức thực thi pháp luật có quyền mang vũ khí, đeo phù hiệu và những người thực hiện lệnh khám xét, bắt giữ và thu giữ. Các cơ quan khác tập trung vào vấn đề kỹ thuật.
"Sau đó, chúng tôi sẽ tập trung để tiến hành các biện pháp thực thi pháp luật như khám xét, thu giữ hay bắt giữ. Phạm vi có thể là trên toàn quốc hoặc toàn cầu".
Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã thu giữ lượng tiền mã hóa kỷ lục và trong tương lai lượng tài sản này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa.
"Trong 2019, chúng tôi thu giữ khoảng 700.000 USD bitcoin. Năm 2020 là 137 triệu USD. Con số của năm 2021 là 1,2 tỷ USD bitcoin", ông Koopman chia sẻ với CNBC vào tháng 8 năm nay. Năm tài khóa của Mỹ kết thúc vào ngày 30/9.
Buổi đấu giá
Khi một vụ án khép lại, Cảnh sát Tư pháp Mỹ là cơ quan chính chịu trách nhiệm bán đấu giá lượng tiền mã hóa mà chính phủ sở hữu. Cho đến nay, cơ quan này đã tịch thu và bán đấu giá hơn 185.000 bitcoin. Theo CNBC, tính theo giá hiện nay thì số bitcoin này đáng 8,6 tỷ USD, dù rất nhiều trong số đó đã được bán theo lô với giá thấp hơn nhiều.
Theo Giám đốc Koopman, quy trình đấu giá bitcoin theo giá thị trường tại thời điểm bán nhiều khả năng sẽ không thay đổi trong tương lai. Ông Koofman nói: "Về cơ bản, chúng tôi phải bán đấu giá chúng theo tuần tự. Chúng tôi không muốn đẩy ra một lượng lớn bitcoin để gây ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường".
Ngoại trừ việc giãn bớt tần suất đấu giá bitcoin, ông Koopman cho biết mục đích của ông không phải là cố bán bitcoin ở giá đỉnh. "Chúng tôi không đầu tư tiền mã hóa", ông khẳng định.
Tháng 11/2020, chính phủ Mỹ tịch thu lượng bitcoin trị giá 1 tỷ USD liên quan tới trang web đen Silk Road. Do vụ việc vẫn đang được xử lý, số bitcoin này vẫn được để nguyên trong một ví tiền mã hóa. Nếu chính phủ bán ra khi giá lập đỉnh 67.000 USD tháng trước, thì kho bạc của Mỹ sẽ đầy hơn rất nhiều so với giả như họ thanh lý bitcoin theo giá của ngày hôm nay.
Tiền chảy đi đâu?
Sau khi vụ án kết thúc và tiền mã hóa đã được quy đổi ra tiền pháp định, các quan chức liên bang sẽ phân chia "chiến lợi phẩm". Tiền từ các buổi đấu giá thường được gửi vào một trong hai tài khoản: Quỹ Tịch biên của Bộ Tài chính và Quỹ Tịch biên của Bộ Tư pháp.
Sau khi tiền được gửi vào một trong hai quỹ trên, chúng có thể được phân bổ cho nhiều khoản mục khác nhau. Ví dụ, Quốc hội có thể ra lệnh rút số tiền đó khỏi tài khoản và chuyển tiền cho những dự án khác.
"Các cơ quan chính phủ có thể gửi yêu cầu để được tiếp cận một phần tiền nhằm tài trợ cho hoạt động của mình", ông Koopman nói. "Đơn vị của tôi có thể đưa ra yêu cầu và giải thích 'Chúng tôi muốn bổ sung thêm thiết bị' rồi chờ Văn phòng Điều hành của Bộ Tài chính xem xét".
Có những năm đơn vị phòng chống tội phạm mạng của ông Koopman được nhận tiền dựa trên các nội dung đề xuất. Những năm khác họ không được chia đồng nào vì Quốc hội chọn rút hết số tiền đó khỏi tài khoản.
Ngoài ra, tiền đôi khi còn được trao cho các nạn nhân bị lừa đảo. Trong số những tài sản bị thu giữ sắp được đem đi đấu giá hiện có lượng tiền mã hóa trị giá 56 triệu USD mà cơ quan chức năng tịch thu trong vụ lừa đảo mô hình Ponzi liên quan tới BitConnect. Không giống như các vụ khác, tiền thu về lần này sẽ được hoàn trả cho các nạn nhân bị lừa.
Theo ông Alex Lakatos, đối tác của công ty luật Mayer Brown, việc theo dõi tiền được chuyển đi đâu là một quy trình không hề dễ dàng.
"Tôi tin rằng tiền mã hóa mà Cảnh sát Tư pháp Mỹ nắm giữ không được trữ tại một nơi, chứ chưa nói đến tiền mà các tiểu bang tịch thu. Đó thực sự là một đống hỗn độn", ông Lakatos nói.
Người phát ngôn của Bộ Tư pháp nói với CNBC rằng ông "khá chắc" Mỹ không có cơ sở dữ liệu trung tâm nào về các vụ tịch thu tiền mã hóa.
Ông Jud Welle, cựu công tố viên tội phạm mạng liên bang, cho biết: "Theo kinh nghiệm của tôi, những người nắm giữ chức vụ cao trong chính phủ có thể sẽ chỉ làm việc trong một thời gian ngắn rồi lại rời đi, và họ muốn bỏ túi một phần chiến lợi phẩm. Hành động của họ chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của cánh nhà báo và các chuyên gia an ninh mạng".