MoMo vừa gọi vốn thành công Series E, với số tiền đầu tư khoảng 200 triệu USD. Với vòng gọi vốn mới, MoMo chính thức trở thành kỳ lân thứ 4 của Việt Nam với định giá hơn 2 tỷ USD.
MoMo có gì mà được định giá 2 tỷ USD?
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó chủ tịch HĐQT, đồng Tổng Giám Đốc MoMo – cho biết: Năm 2021, MoMo đã có một năm phát triển vượt bậc.
"Doanh thu ước tính tăng trưởng khoảng gấp đôi so với 2020. Nền tảng siêu ứng dụng MoMo hiện đã có 31 triệu người dùng. Phối hợp cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm, MoMo đã giúp hàng triệu khách hàng tiếp cận được các dịch vụ tài chính, bảo hiểm như vay tiêu dùng, đầu tư, bảo hiểm phi nhân thọ, sức khỏe…", ông Tường cho biết.
Đồ họa: Bảo Bảo.
Đặc biệt, MoMo hiện là phương thức thanh toán được lựa chọn nhiều nhất cho các dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ trọng 32% số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (tính đến tháng 10/2021).
"Đại dịch cũng thúc đẩy hành vi người tiêu dùng theo chiều hướng có lợi hơn cho MoMo khi ngày càng nhiều người dùng chọn các phương thức thanh toán không tiền mặt và nhu cầu chuyển đối số của đối tác trong hệ sinh thái ngày một gia tăng và trở nên cấp thiết hơn".
"Trong năm tới, MoMo đang chuẩn bị cho sự trở lại của Lắc xì, một trong những chiến dịch "đặc sản" của nhà MoMo cùng nhiều giải pháp tài chính dự kiến sẽ ra mắt thị trường. MoMo sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện thông mở rộng mạng lưới đối tác và đặc biệt là những sản phẩm, dịch vụ đề cao trải nghiệm khám phá với tính năng Thổ Địa MoMo (hyperlocal) cho người dùng", ông Tường nói.
Được rót 200 triệu USD, MoMo sẽ chi tiêu thế nào?
Trả lời chúng tôi, ông Tường từng cho biết: "Thị trường của các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ gọi là Big head and Long tail (Đầu lớn và cái đuôi dài), phân mảnh, doanh thu đem lại ít nhưng tốn sức educate, và cần giải pháp công nghệ chứ không dùng cách truyền thống đi tiếp cận".
Các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) tiếp tục là đối tượng ví điện tử này hướng tới.
Với số vốn gọi được 200 triệu USD, một số trọng tâm MoMo hướng tới là đầu tư vào xây dựng, đào tạo đội ngũ và thu hút thêm nhiều nhân sự tài năng trong, ngoài nước với khát vọng thay đổi cuộc sống con người Việt Nam, đồng thời đầu tư cho các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, hỗ trợ các MSME số hóa hoạt động kinh doanh, vượt qua những thách thức và nhanh chóng thích nghi với bối cảnh kinh doanh mới.
"Không chỉ tập trung khu vực thành thị, trong những năm tới chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tài chính cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, giúp mang dịch vụ tài chính đến gần với người dân tại thành phố cấp 2, cấp 3 và khu vực nông thôn", ông Tường cho biết.
Bên cạnh đó, MoMo sẽ tiếp tục tìm kiếm và đầu tư vào các công ty Việt Nam thông qua các hoạt động M&A nhằm gia tăng sức mạnh về công nghệ cũng như hệ sinh thái riêng.
M&A và tiếp tục chặng đường "Siêu ứng dụng"
Trong năm 2021, MoMo hoàn thành thương vụ M&A với Pique và hiện đang trong quá trình hoàn tất một thương vụ mới, dự kiến công bố trong tháng sau. Được biết, siêu ứng dụng này đã gặp gỡ và làm việc với 40 công ty trong các lĩnh vực khác nhau để tìm kiếm mảnh ghép M&A phù hợp với hệ sinh thái.
Về chiến lược "Siêu ứng dụng", công bố theo đuổi từ nửa cuối năm 2020, hiện MoMo đã tích hợp nhiều dịch vụ mới, tập trung vào nền tảng kết nối (market place) giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ có sẵn. Những lĩnh vực nổi bật là Insurtech (thanh toán phí bảo hiểm của nhiều hãng cả nhân thọ và phi nhân thọ), Credit Tech (ra mắt Ví trả sau thông qua hợp tác với ngân hàng TPBank và vay nhanh Fast Money thông qua hợp tác với EVN Finance), Investech (dự kiến hợp tác với ngân hàng, công ty chứng khoán triển khai hình thức tiền gửi có kỳ hạn và đầu tư chứng chỉ quỹ trong năm 2022).
"Hiện nay, hàng triệu người dùng đã và đang sử dụng các sản phẩm trong lĩnh vực đầu tư, bảo hiểm, tín dụng thông qua ứng dụng công nghệ. Chúng tôi lên kế hoạch triển khai chương trình Mini App để các đối tác có thể tự tích hợp và phát triển ứng dụng của họ ngay trên nền tảng MoMo và tiếp cận 31 triệu người dùng của MoMo".
"Chúng tôi cũng phát triển thêm nhiều sản phẩm giúp đối tác tích hợp trải nghiệm khám phá xung quanh người dùng (hyper local) trong lĩnh vực F&B và thị trường quà tặng điện tử (voucher market)…", Phó Chủ tịch HĐQT MoMo cho biết.
Khi nào MoMo sẽ IPO?
"Chúng tôi thực sự không vội vàng cho kế hoạch IPO", ông Tường nói.
"Hiện tại các nhà đầu tư vẫn đang hài lòng với kết quả kinh doanh và chưa có kế hoạch thoái vốn. Đồng thời, MoMo đã nhận được khá đủ vốn đầu tư và chưa có kế hoạch huy động thêm vốn trong ngắn hạn. Vì vậy, kế hoạch IPO được xem xét trong khoảng vài năm tới".
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị