Mặc dù nhiều địa phương đã mở cửa lại kinh tế và hồi phục các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ từ thời điểm ngày 1.10, tuy nhiên, đối với không ít doanh nghiệp du lịch, lữ hành, giai đoạn hiện tại chủ yếu làm công tác chuẩn bị.
Còn nhiều trở ngại
Ông Lý Việt Cường – Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty du lịch Nam Phương – cho biết, việc mở cửa lại nền kinh tế nhưng chủ yếu đối với khu vực sản xuất và các ngành kinh doanh dịch vụ khác, chứ ngành du lịch thì vẫn còn nhiều trở ngại.
“Đơn cử, du khách đến Đà Lạt nếu muốn lưu trú tại các khách sạn từ 3 sao trở lên thì phải xét nghiệm COVID-19 ngay tại điểm đến. Nhiều khách nghe vậy, nghĩ ngay “thôi ở nhà cho khỏe”, anh Cường nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Tuấn Anh – Sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty du lịch Vietmark – xác nhận: “Công ty chúng tôi có 10 đoàn khách thì hết 7 đoàn bỏ/hủy vì lý do này. Họ hủy chuyến vì cho rằng “thôi mệt, phiền quá, chờ hết dịch đi cũng được”. Bởi nếu không may, xét nghiệm dương tính phải cách ly 7 hay 14 ngày tại điểm đến, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và các kế hoạch khác”.
Chưa kể, sau gần trọn 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các chuỗi cung ứng, dịch vụ của ngành du lịch bị đứt gãy.
Ông Lý Việt Cường cho biết thêm, hiện tổ chức những đoàn nhỏ, khoảng 1-2 gia đình thì còn tương đối dễ đáp ứng, chứ đoàn từ 30 người trở lên là khó khăn trong việc tìm kiếm nhà hàng, quán ăn đủ sức đáp ứng.
Theo ông Tuấn Anh, về chỗ lưu trú thì khả năng đáp ứng khả dĩ hơn so với cơ sở hạ tầng dịch vụ về ăn uống, ẩm thực. “Nhưng không lẽ du khách đi một chuyến 2-3 ngày mà họ chỉ ăn tại khách sạn, resort đâu được”, anh Tuấn Anh nói.
Rào cản tâm lý
Ông Hiếu Học - Giám đốc điều hành Công ty du lịch Cánh Cung (TPHCM) - thời điểm từ tháng 10 mở cửa lại kinh tế nhưng đối với ngành du lịch chuyên tổ chức các tour, sự kiện cho doanh nghiệp thì lại là mùa thấp điểm vì các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào sự kiện tiệc tổng kết cuối năm (Year end party). Vả lại, vì ảnh hưởng dịch bệnh đến sản xuất kinh doanh nên kinh phí cho du lịch doanh nghiệp cũng bị tiết giảm rất nhiều. Về phía người dân, cuối năm là thời điểm cũng ít đi du lịch hơn.
Cùng với đó, các điểm đến thuộc “hành lang du lịch an toàn” (còn gọi là “bong bóng du lịch” - Travel Bubble) được mở ra chưa nhiều, ở phía nam mới chỉ có Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu, nên du khách cũng không có nhiều lựa chọn để đi.
Ngoài ra, những địa phương điểm đến cho khách du lịch nội địa cũng chưa có nhiều nơi sẵn sàng tốt về 5K phòng chống dịch. Cho nên, về tâm lý, người dân cũng chưa thực sự cảm thấy thoải mái đi du lịch (ngay cả nội địa) trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Ông Học cho rằng, hiện nay các công việc chuẩn bị chủ yếu là kế hoạch cho năm 2022. “Hy vọng sang năm 2022 khi vaccine phủ đều 2 mũi ở tất cả tỉnh thành, tạo điều kiện cho ngành du lịch hồi phục một cách tự tin và ổn định hơn”, ông Học cho biết.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, sự chuẩn bị lúc này là để “đón gió” năm mới 2022 và về sau. Chính vì thế, từ các công ty lữ hành cho đến những cơ sở lưu trú, cung ứng dịch vụ… cần sẵn sàng cơ sở vật chất, con người để đáp ứng khi nhu cầu du lịch từ người dân hồi phục.