Theo một biên bản ghi nhớ ký giữa công ty viễn thông Mỹ Far North Digital và công ty Cinia của Phần Lan, 2 công ty này sẽ hợp tác đặt tuyến cáp Far North Fibre kéo dài 16.500 km dưới biển đi theo Hành lang Tây Bắc, kết nối với Na Uy, Phần Lan, Ireland, Alaska (Mỹ) và Nhật Bản.
Bằng cách tránh các đường đặt cáp dài hơn và kết nối chéo với các tuyến trên mặt đất, tuyến cáp mới này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể cự ly truyền dẫn giữa châu Á và châu Âu và tạo hiệu quả tích cực cả về băng thông và độ trễ.
Hành lang Tây Bắc là một tuyến đường biển nổi tiếng Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thông qua Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada. Đây là một tuyến hàng hải từng được khám phá và kỳ vọng trở thành một tuyến đường thương mại từ hàng thế kỷ trước.
Hệ thống cáp ngầm dưới biển nối châu Âu và châu Á thường đi qua Kênh đào Suez. Một tuyến đường khác đi qua nước Mỹ và kết nối với hệ thống cáp tại nước này, nhưng phương thức này làm tăng độ trễ và tạo thêm nhiều điểm lỗi.
Tuy nhiên, tuyến cáp Far North Fibre nếu được thiết lập thành công sẽ sử dụng một tuyến đường chưa được dùng đến. Tuy một số tuyến cáp dưới biển đã được đặt dưới Bắc Băng Dương, với ít nhất một tuyến đi xa hơn về phương bắc so với tuyến cáp này, Far North Fibre sẽ là tuyến đầu tiên đi qua Hành lang Tây Bắc. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức lớn về kỹ thuật và logistics cho các bên tham gia.
CEO của Cinia Ari-Jussi Knaapila cho biết: “Nhu cầu kết nối mạng quốc tế nhanh chóng và bảo mật đang tăng cao với nhiều tuyến cáp mới. Với sự tham gia của 3 châu lục, Far North Fibre sẽ thực sự trở thành một dự án mang tính toàn cầu”.
Theo đúng tiến độ, Cinia và Far North Digital dự kiến sẽ đưa tuyến cáp mới vào sử dụng vào năm 2025, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi khi dự án khởi công.
Tùng Phong (Theo TechRadar)