Túi gạo ST25 loại 5kg có in hình "cha đẻ" gạo ST25 - Ảnh: H.Q.C.
Ngày 23-12, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, "cha đẻ" gạo ST25, cho biết đã làm hồ sơ, thủ tục gửi các cơ quan chức năng đăng ký logo "gạo ông Cua", nhưng đã qua 7 tháng vẫn chưa được chấp nhận.
Riêng việc đăng ký chữ "ST" cho sản phẩm gạo thơm, ông đã gửi hồ sơ 18 tháng, song vẫn chưa có kết quả.
"Tôi đã hoàn thành thủ tục xin đăng ký, thời gian chờ đợi quá lâu, mong các cơ quan chức năng xúc tiến giải quyết sớm cho doanh nghiệp của tôi", ông Cua nói.
Ông Cua cho biết ông rất vui và cảm ơn Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có động thái chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, thẩm tra, xác minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng.
Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Hùng Em - cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng - cho biết đã yêu cầu các đội QLTT thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm thông tin địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục QLTT, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, xây dựng phương án kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ông Hồ Quang Cua đã có đơn gửi Tổng cục QLTT, đề nghị hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu gạo ST của doanh nghiệp gia đình ông.
Theo ông Cua, sau khi gạo ST25 giành giải thưởng "gạo ngon nhất thế giới" cuối năm 2019, trên thị trường xuất hiện tình trạng nhái thương hiệu gạo ST25.
Gần đây nhất, ông Cua tung ra thị trường nhãn hiệu "gạo ông Cua", trên bao bì có in hình ông, mã vạch để truy xuất nguồn gốc… nhưng lại tiếp tục bị làm nhái. "Tôi rất mừng là Tổng cục QLTT đã vào cuộc. Thời điểm cận Tết, nhu cầu cao, tình trạng nhái thương hiệu gạo ST25 càng nhiều. Hy vọng sự vào cuộc này giúp thị trường gạo thơm sẽ lành mạnh, người tiêu dùng mở hầu bao mua đúng gạo thiệt", ông Cua chia sẻ.
TTO - Anh hùng lao động, ‘cha đẻ’ gạo ST25 đã có đơn gửi Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu tại thị trường Việt Nam.