vĐồng tin tức tài chính 365

Cách công ty Trung Quốc thống trị ngành pin xe điện toàn cầu

2021-12-24 03:00

Khi đại dịch xảy ra, CATL (Trung Quốc) - nhà sản xuất pin ôtô điện lớn nhất thế giới hiện có giá trị hơn cả General Motors và Ford cộng lại - đột nhiên phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng.

Một đối thủ của hãng đã phát hành đoạn video gợi ý rằng một công nghệ được sử dụng bởi CATL và các nhà sản xuất khác có thể gây ra cháy xe. Bắt chước một bài kiểm tra an toàn của chính phủ Trung Quốc, đối thủ đã đâm một chiếc đinh xuyên qua một tế bào pin, khiến nó phát nổ.

Các quan chức Trung Quốc đã hành động nhanh chóng, bằng cách bỏ quy định kiểm tra bằng phương thức này hai tháng sau đó. Trong danh sách những đơn vị tham gia soạn thảo quy định mới, có cả CATL.

Quyết định của Trung Quốc không làm cho thế giới lo ngại hơn về độ an toàn của pin xe điện, vì nhiều nước không yêu cầu phương thức kiểm tra này. Tuy nhiên, nó cho thấy cam kết của Trung Quốc trong việc nuôi dưỡng một doanh nghiệp chủ lực, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong tương lai ngành ôtô thế giới.

CATL đã giúp Trung Quốc dẫn đầu về pin ôtô điện, một công nghệ trung tâm của cuộc cách mạng xanh rộng lớn hơn. Công ty đã cung cấp pin cho hầu hết nhà sản xuất ôtô trên thế giới, bao gồm GM, Volkswagen, BMW và Tesla. CATL đã nổi lên như một trong những người hưởng lợi lớn nhất trong sự bùng nổ xe điện, cùng với Tesla.

Gã khổng lồ pin này đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ xanh ngày càng bị Trung Quốc thống trị. Các công ty Trung Quốc, đặc biệt là CATL, đảm bảo nguồn cung cấp lớn nguyên liệu thô bên trong pin.

Sự thống trị họ đã làm dấy lên lo ngại ở Washington rằng một ngày nào đó Detroit có thể trở nên lỗi thời và Bắc Kinh có thể kiểm soát việc lái xe của người Mỹ trong thế kỷ 21, theo cách mà các quốc gia sản xuất dầu đôi khi có thể làm được trong thế kỷ 20.

Trụ sở chính của CATL (tòa nhà lớn nhất) ở Ninh Đức, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: NYT

Trụ sở chính của CATL (tòa nhà lớn nhất) ở Ninh Đức, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: NYT

CATL không thuộc sở hữu của chính phủ, nhưng các nhà đầu tư có mối quan hệ với Bắc Kinh đã giữ cổ phần trong quá trình phát triển của nó, theo một phân tích của Times. Các quan chức chính phủ Trung Quốc đảm bảo hoạt động kinh doanh của CATL nằm trong tay người Trung Quốc. Họ đã tạo ra một thị trường thu hút khách hàng sử dụng pin. Và khi CATL cần tiền, họ đã sẵn sàng giải quyết.

Từ Detroit đến Milan hay Wolfsburg, các CEO ôtô đã dành cả sự nghiệp để cố gắng hoàn thiện các piston và hệ thống phun nhiên liệu. Giờ thì họ đang bị ám ảnh về việc làm thế nào để cạnh tranh với một gã khổng lồ gần như vô hình nhưng đáng gờm này.

"Vấn đề của Trung Quốc với động cơ đốt trong là họ mãi mãi phải đuổi theo. Còn giờ, Mỹ phải chơi trò chơi đuổi kịp xe điện", Bill Russo, cựu giám đốc của Chrysler tại Trung Quốc, hiện là cố vấn ôtô điện tại Thượng Hải, bình luận.

Ngày đầu thành lập

Trong khi Tesla và Elon Musk được biết đến rộng rãi với sự bùng nổ xe điện, CATL lại bí ẩn trong bóng tối. Nhà sáng lập kiêm chủ tịch Robin Zeng, 53 tuổi, là một trong những người giàu nhất ở châu Á, với tài sản khoảng 60 tỷ USD.

Trụ sở chính công ty cao chót vót, có hình dạng giống như một cục pin lithium khổng lồ. CATL có một số nhà máy lớn nhất ở Ninh Đức, một làng chài và căn cứ quân sự trước đây ở đông nam Trung Quốc, cũng là quê hương nhà sáng lập.

Sau khi học kỹ thuật hàng hải tại một trường đại học Thượng Hải, ông Zeng làm việc về hóa pin cho TDK (Nhật Bản) chi nhánh Trung Quốc. Năm 1999, ông cùng các chuyên gia hóa học về pin thành lập công ty riêng cung cấp pin lithium-coban cho điện thoại di động, máy quay phim và các thiết bị điện tử dân dụng cầm tay khác. Nhóm nghiên cứu đã bán công ty cho TDK vào năm 2005 với giá 100 triệu USD và tiếp tục điều hành nó như một công ty con.

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch CATL Robin Zeng. Ảnh: Bloomberg

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch CATL Robin Zeng. Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc từ lâu đã xác định pin là một ngành công nghiệp chiến lược, vào năm 2011 đã thực hiện một trong một số bước để nuôi dưỡng ngành này. Họ yêu cầu các nhà sản xuất ôtô nước ngoài muốn bán ôtô điện ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ quan trọng cho một công ty địa phương. Chỉ khi đó, chính phủ mới trợ cấp cho việc bán ôtô của họ, số tiền có thể lên tới 19.300 USD mỗi chiếc.

TDK đã cho phép một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc do ông Zeng đứng đầu mua 85% cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh pin ôtô điện còn non trẻ của mình vào cuối năm 2011. Họ gọi nó là CATL, và có được khách hàng đầu tiên là BMW. Bốn năm sau, một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc khác đã mua 15% còn lại của CATL từ TDK.

Các điều khoản tài chính của việc mua bán không rõ ràng, nhưng ông Zeng và các đối tác của ông đã gặt hái được thành công. TDK hiện có giá trị vốn hóa thị trường là 16 tỷ USD, trong khi CATL đã gần 240 tỷ USD.

Bắc Kinh giúp đỡ

Với sự giúp sức của chính sách, CATL nổi lên như một công ty độc lập và phát triển nhanh chóng. Để sản xuất pin theo công thức của CATL thì cần lithium và coban. Năm nay, CATL đã mua một phần tư mỏ coban Kisanfu (Congo), một trong những mỏ lớn nhất thế giới, với giá 137,5 triệu USD. Ông Zeng cũng đã đảm bảo nguồn nguyên liệu nội địa.

Trong vòng một năm kể từ khi thành lập CATL, ông Zeng đã lập một công ty con ở tỉnh Thanh Hải, miền tây Trung Quốc. Thanh Hải có một thứ mà ông Zeng cần là muối khô chứa đầy lithium. Nhưng công ty cần tiền để khai thác nó. Vì vậy, chính phủ đã ra tay. Năm 2015, họ đã công bố kế hoạch "Made in China 2025", hướng đến sự độc lập trong các ngành công nghiệp chính, bao gồm cả ôtô điện.

Khi các ngân hàng địa phương xem dự án của CATL quá rủi ro thì các ngân hàng chính sách chấp nhận cho vay khi được chính phủ đảm bảo. Họ cung cấp hơn 100 triệu USD cho các dự án CATL ở Thanh Hải. CATL cho biết các khoản đầu tư "đảm bảo sự ổn định của nguồn cung nguyên liệu và tránh biến động giá mạnh".

Hồ muối Chaerhan ở Thanh Hải, nơi CATL chiết xuất lithium và các khoán chất khác. Ảnh: NYT

Hồ muối Chaerhan ở Thanh Hải, nơi CATL chiết xuất lithium và các khoán chất khác. Ảnh: NYT

CATL cũng được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách thúc đẩy các nhà sản xuất ôtô ở Trung Quốc chỉ sử dụng pin trong nước. Người mua ôtô điện chỉ có thể được trợ cấp nếu pin do một công ty Trung Quốc sản xuất. Năm 2016, GM bán mẫu Buick Velite vào năm 2016 với pin do LG (Hàn Quốc) cung cấp. Sau đó, họ phải chuyển sang dùng pin CATL để thúc đẩy doanh số.

Với các khoản trợ cấp và thị trường được bảo vệ, CATL trở nên cực kỳ có lãi. Ngành công nghiệp ôtô coi tỷ suất lợi nhuận sau thuế ít nhất 5% doanh thu là một thành công. Trong khi, lợi nhuận của CATL năm ngoái là 11,1%. Bất chấp lợi nhuận đó, công ty vẫn tiếp tục nhận các khoản trợ cấp của chính phủ vào năm ngoái bằng một phần năm thu nhập ròng của mình.

Nỗ lực này đã đưa Trung Quốc thống trị lĩnh vực pin ôtô điện. Theo Benchmark Mineral Intelligence (Anh), Trung Quốc có công suất sản xuất pin ôtô điện gấp 14 lần Mỹ. Hãng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ giữ vị trí dẫn đầu ngay cả sau khi Mỹ có thêm các nhà máy pin mới của Toyota.

Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của CATL vào năm 2018 đã khiến ông Zeng và hai phó chủ tịch CATL, những người cùng sở hữu 40% cổ phần, trở nên giàu có. Các nhà đầu tư ban đầu khác, một số có mối quan hệ chính trị sâu sắc, cũng đã hưởng lợi.

Phát huy vị thế

CATL nắm giữ một phần ba thị trường pin ôtô điện toàn cầu. Đối thủ lớn nhất của họ trên toàn cầu là LG, với một phần tư thị phần. Có thời điểm, CATL cũng phải đối đầu với đối thủ khó chơi trên sân nhà, như BYD.

Có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, BYD tự hào có nhà đầu tư tên tuổi lớn là Warren Buffett. Không giống như CATL đã đầu tư rất nhiều vào pin lithium-coban, BYD thì đặt cược vào pin lithium truyền thống.

Năm ngoái, BYD đã đặt câu hỏi về tính an toàn của pin lithium-coban. Họ công bố một đoạn video về một cuộc thử nghiệm tương tự một thử nghiệm được các cơ quan quản lý Trung Quốc sử dụng để xác định mức độ an toàn của một tế bào pin, bằng cách đập một chiếc đinh xuyên qua nó.

BYD từ chối cho biết nhà sản xuất viên pin được thử nghiệm. Nhưng loại pin lithium-coban là dòng sản phẩm chủ lực của CATL và các công ty Hàn Quốc. Nhà quản lý Trung Quốc không cho biết lý do sau đó bỏ qua yêu cầu kiểm tra bằng cách đập đinh, và thay bằng một bài kiểm tra xem toàn bộ pin có thể cháy trong 5 phút hay không - tương tự như những gì các nước khác làm. CATL nói rằng điều quan trọng là sự an toàn được cung cấp bởi toàn bộ hệ thống pin của nó.

BYD hiện lại sản xuất thêm pin lithium-coban của riêng mình. Còn CATL cũng sản xuất nhiều pin hơn mà không có coban. CATL đang xây dựng một nhà máy rộng lớn gấp ba lần quy mô nhà máy pin của Tesla và Panasonic ở sa mạc Nevada. Nhà máy khổng lồ của CATL ở Fude, cách trung tâm thành phố Ninh Đức 90 phút lái xe về phía đông bắc, là một trong tám nhà máy mà CATL đang xây dựng, với chi phí hơn 14 tỷ USD.

Công ty đã tập hợp đội quân nhỏ gồm các công nhân xây dựng để hoàn thiện các tòa nhà tường thép cao 15m, dài hơn 5 sân bóng đá. Yu Bin, một công nhân xi măng ở Fude, cho biết gần đây anh đã làm việc liên tục 20 giờ để hoàn thành một mái nhà. "Đèn trên những cần cẩu thắp sáng cả đêm", anh nói.

Phiên An (theo NYT)

Xem thêm: lmth.8276044-uac-naot-neid-ex-nip-hnagn-irt-gnoht-couq-gnurt-yt-gnoc-hcac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách công ty Trung Quốc thống trị ngành pin xe điện toàn cầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools