Ngày 23-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Tuyên truyền, phổ biến tốt Nghị quyết ĐH XIII
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo ở các cấp trong năm 2022.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban bí thư, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, đánh giá năm 2021 hoạt động tuyên giáo bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và các cấp ủy, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn…
Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021. Ảnh: VGP
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, toàn ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đại hội, phản ánh kịp thời việc triển khai thực hiện nghị quyết ở các cấp. Cùng với đó, tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng, tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng….
Bên cạnh đó, ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban bí thư tổ chức thành công ba hội nghị toàn quốc (với hình thức trực tuyến) về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 05, triển khai Kết luận 01 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thành công của việc tổ chức ba hội nghị trực tuyến này tiếp tục khẳng định sự linh hoạt, sáng tạo của ngành tuyên giáo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, góp phần nhanh chóng đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Ngành tuyên giáo cũng đã chủ động triển khai, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc; kịp thời định hướng dư luận tích cực, xử lý những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, xử lý những điểm “nóng”, “có vấn đề” có thể xuất hiện, xảy ra, không để bất ngờ, bị động.
Xây dựng lối sống văn hóa trong tổ chức Đảng
Về công tác trong năm 2022, Thường trực Ban bí thư yêu cầu trong nội bộ ngành tuyên giáo, các cơ quan trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, văn học nghệ thuật, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ… cần tiến hành ngay việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Kết luận 21, bảo đảm nghiêm túc, thận trọng, đạt kết quả cụ thể, thực chất.
Thường trực Ban bí thư nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp, phải gương mẫu, tự giác làm trước; tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình cái gì đã làm tốt, cái gì chưa tốt, tại sao lại như vậy. Trên cơ sở đó tự mình điều chỉnh, sửa chữa, khắc phục, tránh qua loa, hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, nể nang; ngăn chặn tình trạng lợi dụng kiểm điểm, phê bình để đấu đá, hạ bệ nhau với động cơ không trong sáng”.
Thường trực Ban bí thư yêu cầu cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối văn hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, nhất là phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư về công tác văn hóa… Trong đó chú trọng xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình... Kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động phản văn hóa, các sản phẩm văn hóa độc hại, hủ tục, các tệ nạn ra khỏi cộng đồng.
Về người làm công tác tuyên giáo, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, khả năng tư duy, phương pháp giải quyết các vấn đề tư tưởng. Theo ông Thưởng, phải say mê với công tác của mình. “Chỉ khi nào chúng ta say mê mới truyền được đến người khác cảm hứng, truyền đến đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân cảm hứng của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Có say mê mới cảm hóa được người khác, nâng cao được khả năng thuyết phục” - ông Thưởng nói.
Còn hạn chế trong xử lý “báo hóa” tạp chí Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng đánh giá công tác tuyên giáo trong năm 2021 vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí - xuất bản có lúc chưa kịp thời. Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc của các hội chưa nghiêm túc; quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế... Từ đó, Thường trực Ban bí thư nêu rõ năm 2022 cần tăng cường chỉ đạo, định hướng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí - xuất bản; phát huy vai trò của báo chí - xuất bản trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng chính trị, nhân cách, giá trị sống cao đẹp... |