Sau gần hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành, số lượng ca nhiễm trung bình hàng ngày đang gia tăng trở lại khi biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng trên khắp địa cầu, từ Mỹ, Anh đến Nam Phi và Australia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Omicron là một biến chủng nguy hiểm. Mặc dù chưa có nhiều thông tin về Omicron, WHO vẫn nhấn mạnh rằng siêu biến chủng này lây lan "nhanh hơn đáng kể" so với chủng Delta và thậm chí có thể thay đổi quỹ đạo của đại dịch.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hồi giữa tuần này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO, đã thúc giục "năm 2022 phải là sự kết thúc của đại dịch COVID-19".
Dữ liệu về đại dịch, chẳng hạn như số lượng ca xác nhận nhiễm bệnh, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong, có thể khiến chúng ta đánh giá sai lệch tình hình thực tế do hạn chế về xét nghiệm, tần suất báo cáo và chất lượng dữ liệu thu thập được.
Tuy nhiên, dựa trên số liệu sẵn có, CNBC đã tổng hợp được 4 biểu đồ, phần nào cho thấy diễn biến của đại dịch COVID-19 khi năm 2021 sắp khép lại, 2022 sắp sửa mở ra.
Omicron đang chiếm ưu thế
Theo WHO, biến chủng Omicron đã được phát hiện ở khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cơ quan này nói thêm rằng số ca bệnh liên quan biến chủng Omicron đang tăng gấp đôi sau mỗi một ngày rưỡi đến ba ngày.
Omicron, lần đầu được phát hiện bởi các nhà khoa học Nam Phi, đã trở thành chủng chiếm ưu thế tại Mỹ cũng như một số khu vực của châu Âu như Anh và Scotland.
Siêu biến chủng mới xuất hiện ngay tại thời điểm nhiều quốc gia đã nới lỏng hoặc sắp nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển.
Sự gia tăng về số ca nhiễm mới đã buộc một số nước như Hà Lan, Đan Mạch và Ireland, phải thắt chặt chính sách phòng chống dịch để hạn chế sự lây lan của Omicron.
Ca nhiễm tăng, tử vong giảm
Biến chủng Omicron đã kích hoạt một làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu. Tại châu Phi, số ca xác nhận nhiễm bệnh hàng ngày (tính theo trung bình 7 ngày) đã tăng từ khoảng 3,14 trường hợp/1 triệu người hồi đầu tháng 11 lên 26,67 ca/1 triệu người vào ngày 21/12, theo Our World in Data.
Cùng thời gian, số trường hợp xác nhiễm bệnh hàng ngày của Anh đã tăng từ mức trung bình 7 ngày là 603,38 ca/1 triệu người lên khoảng 1.280 ca/1 triệu người. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Tỷ lệ người bệnh phải nhập viện cũng đi lên tại nhiều nước. Mỹ, Pháp và Nam Phi đang nằm trong số những quốc gia ghi nhận sự gia tăng về số người nhập viện hàng tuần trong tháng qua, dữ liệu chính thức của Our World in Data chỉ ra.
Tuy nhiên, số ca tử vong trung bình hàng ngày do COVID được cho là đang có xu hướng giảm trên toàn, một phân tích khác của Our World in Data cho thấy. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu ảnh hưởng khi một người nhiễm biến chủng Omicron so với các biến chủng trước.
Chia sẻ với CNBC, ông Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hong Kong, cho biết Omicron dường như có cùng "mức độ nghiêm trọng" đối với bệnh nhân như Delta và các biến chủng trước.
"Song, nếu bạn đã được tiêm ngừa hoặc đã nhiễm COVID trước đó, cơ thể sẽ hình thành một số bảo vệ đặc biệt. Điều đó đồng nghĩa biến chủng Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hơn", ông Cowling cho hay.
Bất bình đẳng vắc xin
Theo các chuyên gia, mối đe dọa của Omicron và các biến chủng trong tương lai đã nêu bật lên vai trò của vắc xin trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, việc phân phối vắc xin vẫn diễn ra một cách không đồng đều trên khắp thế giới.
Dữ liệu do Our World in Data tổng hợp cho thấy, tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, chưa đến 10% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều quốc gia trong số này là các nước có thu nhập thấp ở châu Phi.
Mặt khác, các quốc gia có thu nhập cao đang đi trước trong chiến dịch tiêm chủng, thậm chí một số nước đã triển khai tiêm mũi nhắc lại.
Ông Jerome Kim, Giám đốc điều hành của Viện Vắc xin Quốc tế, cho biết khoảng cách về tiêm chủng giữa các nước giàu - nghèo có thể thu hẹp trong thời gian tới với hàng tỷ liều vắc xin được sản xuất mỗi năm.
"Chúng ta cần sử dụng vắc xin hiệu quả nhất có thể, đồng thời tiêm mũi tăng cường nếu chúng được chỉ dịnh. Sau đó, chúng ta còn cần phải áp dụng các biện pháp khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tập trung đông người và vệ sinh cá nhân để giảm rủi ro lây nhiễm", ông Kim chia sẻ trên một chương tình của CNBC.
Tổng Giám đốc Tedros của WHO dự đoán, để chấm dứt đại dịch trong năm tới, mỗi nước phải tiêm ngừa cho 70% dân số vào giữa năm 2022.