Triển lãm sách ảnh tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ kéo dài đến 27-12 - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 25-12, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, buổi triển lãm hai bộ ảnh mới nhất, đồng thời ra mắt hai tập sách ảnh thứ 15, 16 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã được khai mạc.
Hai chủ đề khác nhau "Chúng tôi là Việt Nam" và "Sài Gòn ngoan cường", cách tác nghiệp cũng khác nhưng khi cùng ra mắt, hai bộ ảnh đã cộng hưởng, mang đến cho người xem luồng năng lượng mạnh mẽ và ấm áp, quý giá trong những ngày cuối năm 2021.
Đến tham dự buổi khai mạc có mặt rất nhiều nhân vật trong các bộ ảnh. Những người phụ nữ được tôn vinh trong "Chúng tôi là Việt Nam", từ chính khách, doanh nhân, nhà khoa học cho tới những người nông dân chất phác; những bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu trong "Sài Gòn ngoan cường".
Cuộc đời sôi động của họ, những ngày xả thân trong cuộc chiến khốc liệt với COVID-19 để giành lại bình an cho Sài Gòn như sống lại trên những bức ảnh.
Đại đức Thích Minh Phú, Tổ đình Tường Nguyên và độc giả tại buổi ra mắt sách - Ảnh: TỰ TRUNG
Giao lưu với các nhân vật trong sách ảnh "Chúng tôi là Việt Nam". Từ trái sang: nhà tư vấn tâm lý Lý Thị Mai, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, bà Trần Thị Kim Thia - Ảnh: TỰ TRUNG
Đến từ Đồng Tháp, câu chuyện bà Sáu Thia (Trần Thị Kim Thia) mấy mươi năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em khiến những người thành phố thật phấn khích: "Sao để con nít chết đuối hoài được, tôi sốt ruột lắm nên không cần ai xui biểu, bồi dưỡng gì cả. Việc cần làm thì làm thôi…".
Trong bộ ảnh "Chúng tôi là Việt Nam", không thiếu những gương mặt nông dân như bà, bên cạnh những người tên tuổi chức vụ. "Nguồn năng lượng tích cực, đấy là cái tôi lựa chọn", Nguyễn Á rất vui tuyên bố tiêu chí thực hiện những bộ ảnh của mình.
Sống lại những ngày "Sài Gòn ngoan cường" - Ảnh: TỰ TRUNG
Giao lưu với các nhân vật trong sách ảnh "Sài Gòn ngoan cường". Từ trái sang: bác sĩ Lê Minh Khôi, đại đức Thích Minh Phú, doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại đức Thích Minh Phú, Tổ đình Tường Nguyên, hồi tưởng những ngày chỉ dự định mua 2 tấn khoai lang "giải cứu", rồi cuốn theo những diễn biến dịch cho đến những ngày đỉnh điểm, Tổ đình Tường Nguyên cung cấp 26.000 phần ăn/ngày, huy động hơn 200 người nấu nướng.
"140 ngày, 20 ca F0 trong nhóm thực hiện nhưng chúng tôi không nghỉ ngày nào. Cũng có lúc mệt mỏi, nhưng các bác sĩ nói: thầy nghỉ thì mấy chục ngàn người không có cơm ăn, thế là lại tiếp tục".
140 ngày - 1,5 triệu suất ăn, hàng trăm tấn nhu yếu phẩm, 2.000 quan tài, 20 xe cấp cứu… là những con số biết nói của Tổ đình Tường Nguyên, một trong hàng trăm nhóm hoạt động xã hội trong những ngày Sài Gòn ngoan cường.
Một nhân vật ngoan cường khác, doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, năm ngoái nổi tiếng với ATM gạo và năm nay là ATM oxy. Vừa trải qua những ngày F0, Hoàng Tuấn Anh trải lòng: "Năm ngoái hàng trăm ATM gạo phân phát hàng ngàn tấn gạo, đã tưởng cực nhưng hóa ra vẫn rất nhẹ nhàng so với năm nay.
Đợt dịch này thật quá khủng khiếp. ATM oxy của chúng tôi tiếp nhận 5.000-6.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày. Thật đau khổ khi không đáp ứng nổi vì đây là sinh mạng trong gang tấc. Cứ vậy chúng tôi lao vào cuộc, không tính đến công sức, không tính đến tài chính.
Chuẩn bị được 3 tỉ nhưng tôi đặt mua oxy, bình, bồn tới mười mấy tỉ. Cứ làm rồi quyên góp sau. Hội Doanh nhân trẻ, các ban ngành thành phố hỗ trợ rất nhiều. Hiện giờ chúng tôi đang tiếp tục triển khai xuống các tỉnh miền Tây…".
Đến thẳng từ trung tâm hồi sức, bác sĩ Lê Minh Khôi tâm sự: "Tôi vẫn đang sống với bệnh viện dã chiến cho đến hôm nay. Cảm ơn Nguyễn Á đã ghi lại giúp chúng tôi những hình ảnh của giai đoạn khốc liệt và vinh quang này.
Khi vào trận, mình cứ xông vào thôi, giờ nhìn lại hình ảnh mới thấy rõ sự khốc liệt, mới thấy rõ mình và đồng nghiệp đã lớn lên rất nhiều qua những thử thách đó. Thành phố nghĩa tình, đồng bào, đồng đội... tôi chưa bao giờ thấm thía những từ ngữ đó như những ngày này".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á giao lưu cùng độc giả - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhân vật chính của buổi triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á xuất hiện cuối cùng. Anh phát biểu giản dị: "Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tôi mang ơn Sài Gòn suốt cuộc đời. Những ngày lịch sử mất mát khốc liệt ngoan cường này của Sài Gòn, tôi phải có mặt, phải ghi lại. Cuốn ảnh về dịch COVID-19 năm ngoái, tôi đã chụp ở khắp nơi trên nước Việt Nam. Cuốn này tôi chụp sự đoàn kết của cả Việt Nam đã chung tay giúp Sài Gòn vượt qua đại dịch.
Chứng kiến sự góp sức của nhiều người, nhất là sự cống hiến, lăn xả của những người trẻ, tôi hết sức xúc động và tin tưởng ở tương lai sẽ nằm trong tay các em. Tôi đã có dự định cho bộ ảnh tiếp theo của mình về những người trẻ…".
Nhạc sĩ Hà Chương đã mang đến triển lãm bài hát mình viết trong những ngày khốc liệt tại Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhà văn Trần Trà My say sưa xem ảnh - Ảnh: TỰ TRUNG
Hai cuốn sách ảnh được nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á phát hành đồng thời - Ảnh: TỰ TRUNG
Nguồn năng lượng tích cực từ những tấm ảnh - Ảnh: TỰ TRUNG
TTO - Qua 177 tác phẩm từ 93 tác giả từ khắp thế giới, triển lãm "Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia quốc tế" cho thấy hai góc nhìn song đối về Việt Nam.
Xem thêm: mth.35123417152211202-hna-mat-gnuhn-ut-em-hnam-gnoul-gnan-nougn/nv.ertiout