Hình ảnh Mai Linh ở thời điểm được cha mẹ người Bỉ nhận nuôi
Vậy là Mai Linh quyết định học tiếng Việt để mong có cơ hội về lại Việt Nam tìm cha mẹ ruột.
Tôi giống ai, tôi đến từ đâu?
"Tôi muốn biết sự thật bắt đầu của câu chuyện về tôi, về cuộc đời của chính tôi. Tôi có nhiều câu hỏi và muốn biết tôi giống ai, tôi đến từ đâu và ở đâu đó? Tôi hy vọng tìm thấy câu trả lời và tình yêu... Tôi biết ơn những gì tôi đang có ở Bỉ, nhưng đôi khi chạnh lòng vì không biết mình mất những gì. Có một mảnh ghép còn thiếu trong câu chuyện của tôi, đó có thể là một câu chuyện phức tạp, nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó tôi biết được chuyện gì đã xảy ra...".
Đó là đôi dòng trạng thái bằng tiếng Việt được Mai Linh viết bằng giọng rất Tây trên Facebook của mình về việc em đang muốn tìm cha mẹ ruột của mình tại Việt Nam. Cô viết thư cho Tuổi Trẻ: "Tôi chưa bao giờ biết ai là cha, mẹ ruột. Tôi chưa bao giờ sống gần những người có vẻ ngoài giống tôi. Tôi muốn cha mẹ ruột của mình biết rằng tôi đã lớn và đang sống tốt trong cuộc đời. Tôi tin rằng cách nào đó có một sự kết nối mà tôi đã cảm nhận được khi còn là một đứa trẻ trong bụng mẹ và tôi cảm nhận được nỗi mất mát ấy".
Sâu thẳm trong tâm hồn Mai Linh, "đôi khi thật khó để giải thích với những người không phải là con nuôi. Tôi buồn đau vì đã mất gia đình ruột thịt của mình, mặc dù tôi không thể hình dung ra gương mặt của họ và tôi chưa từng biết họ" - Mai Linh tâm sự thêm cùng Tuổi Trẻ.
Theo những giấy tờ, tài liệu mà cha mẹ nuôi Mai Linh còn giữ được thì cô sinh vào tháng 9-1995. Khoảng 7h30 tối một ngày tháng 9 năm ấy, một người phụ nữ phát hiện cô trong cái thúng đặt gần đường ray xe lửa tại khu vực phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Lúc đó, người phụ nữ đã đưa đứa bé chỉ còn da bọc xương, ngực dô, bụng lép, sức sống mỏng manh đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Quảng Ninh để chăm sóc.
Mai Linh khi lớn lên tại Bỉ
Đã từng về Việt Nam tìm cha mẹ
Trong biên bản gồm đại diện UBND, công an phường, người phụ nữ phát hiện cháu bé, phó giám đốc và một cán bộ Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Quảng Ninh xác nhận đứa trẻ bị bỏ rơi ở phường Hồng Hải lập ngày 4-10-1995 có ghi nhận đứa trẻ quá yếu ớt, đã nằm ở khoa nhi bệnh viện được hơn 10 ngày song sức sống còn rất mỏng manh, luôn phải thở oxy. Biên bản cũng đề nghị UBND phường Hồng Hải cấp giấy khai sinh cho cháu bé để lập các thủ tục. Ngày sinh của cháu bé được ước đoán khoảng ba ngày trước khi được tìm thấy và cháu bé được đặt tên là Nguyễn Thị Thu Hường với phần tên của cha mẹ trong giấy khai sinh để trống.
Đến năm 1996, cháu bé được một gia đình người Bỉ nhận làm con nuôi, cha nuôi của Linh đưa cô qua Bỉ vào tháng 2-1996.
Mai Linh kể vào năm 2018, cô đã có dịp đến TP.HCM trong một đợt làm tình nguyện kéo dài hai tháng. Cuối đợt tình nguyện đó, cha mẹ nuôi của Linh cũng đến Việt Nam và họ cùng đến phường Hồng Hải, Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh gặp những người từng làm giấy tờ cho cô ngày xưa, để mong tìm ra chút manh mối về cha mẹ ruột. Tuy nhiên, do khác ngôn ngữ, Linh không hiểu tiếng Việt, những người gặp cô cũng không hiểu nhiều do hai bên nói chuyện qua một hướng dẫn viên. Có người nhận ra Linh giống một ai đó nhưng rồi thông tin cũng không rõ ràng hơn...
Trở lại TP Bruxelles của Bỉ, Mai Linh quyết tâm đi học tiếng Việt với hy vọng việc tìm cha mẹ ruột dễ dàng hơn dù theo cô, việc này không hề đơn giản. "Có thể câu chuyện của tôi sẽ rất đau đớn, nhưng nó cũng sẽ vẫn là sự thật", cô gái 26 tuổi tâm sự. Khi còn nhỏ, Linh thường nghe kể rằng có thể vì cha mẹ ruột nghèo, không đủ sức nuôi cô nên đã cho đi vì không có lựa chọn nào khác.
Mai Linh tại chính mảnh đất Quảng Ninh năm 2018 - Ảnh: NVC
Trước khi rời Quảng Ninh, Mai Linh đã kết bạn qua Facebook với một số người ở khu vực này và em dự tính hỏi thăm thêm thông tin để may ra có thể tìm được manh mối gì đó về gia đình của mình nhưng do không biết tiếng Việt nên không hỏi thêm được gì nhiều. Hơn nữa, ở Bỉ có rất ít người biết tiếng Việt và cô chưa biết bắt đầu từ đâu.
Hai năm trước, Mai Linh chuyển đến sống ở Brussels (thủ đô nước Bỉ), cô tình cờ biết được một người đang theo học tiếng Việt và tìm ra lớp tiếng Việt do Hội Liên minh Việt - Bỉ tổ chức. Các lớp học tiếng Việt này chỉ có vài người lớn theo học và con của các gia đình Việt kiều tại Bỉ.
Linh cho biết cô bắt đầu với tiếng Việt khá khó vì đó là thứ tiếng ngữ âm, có nhiều dấu và rất khác với tiếng Hà Lan và tiếng Pháp, ngôn ngữ phổ biến nơi cô đang sống. Linh nói hiện cô đang học năm thứ 2 và đang học một số từ vựng, các câu cơ bản.
"Nói tiếng Việt với tôi vẫn rất khó vì ngoài giờ lên lớp, tôi không có cơ hội để thực hành do quanh tôi không có người Việt. Tôi muốn tìm được một người bạn để cùng luyện phát âm, đặt câu và tăng vốn từ tiếng Việt. Tôi muốn tiếng Việt của mình khá hơn để dễ hơn khi đi tìm cha mẹ ruột" - Linh cho biết.
Thường xuyên nghĩ về cha mẹ
"Tôi đã từng nghe những câu chuyện về những người con nuôi tìm được cha mẹ ruột của mình với một số cuộc tái hợp đã tràn đầy hạnh phúc và niềm vui. Nhưng một số khác đã khó khăn hơn, ví dụ như những mất mát, tổn thương hay lừa gạt. Không cha mẹ ruột nào muốn bỏ rơi con của mình. Tôi hy vọng có thể tìm thấy sự thật và tìm được gia đình ruột thịt của mình" - Linh chia sẻ thêm.
Linh nói cô khát khao được gặp lại cha mẹ để kể với họ về bản thân, để biết về họ và họ trông như thế nào. "Tôi muốn nói cho cha mẹ biết rằng tôi đang sống tốt trong cuộc đời và thường xuyên nghĩ về cha mẹ, nhất là trong những dịp đặc biệt như sinh nhật hay những ngày nghỉ lễ. Họ là một phần trong tôi mà tôi đang thiếu" - Linh chia sẻ bằng một ít tiếng Việt mà cô đã học được.
Mai Linh Verdonck
Cha mẹ nuôi của Mai Linh nói họ muốn giữ cho cô một cái tên để giữ nguồn gốc Việt của cô, nhưng tên Hường lại khó đọc với người phương Tây. Vì vậy, họ đặt lại cho cô là Mai Linh kèm họ Verdonck của cha nuôi. Tên đầy đủ và chính thức của cô là Mai Linh Verdonck.
TTO - Vance McElhinney, sinh năm 1974, là một trong gần 100 trẻ em Việt Nam được đưa đến Anh trong Chiến dịch Babylift năm 1975. Rời quê hương khi chỉ 9 tháng tuổi, Vance trải qua phần lớn cuộc đời ở phía Bắc Ireland của xứ sở sương mù...