Thủ tục hải quan trong thời gian dịch bệnh được hỗ trợ tích cực với nhiều giải pháp khác nhau, nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp - Ảnh: TỰ TRUNG
Hải quan thu ngân sách 370.000 tỉ đồng
Dù nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nhưng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa làm thủ tục qua các cục hải quan thuộc 19 tỉnh, thành phố phía Nam vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Cục Hải quan TP.HCM đạt trên 117 tỉ USD; Bình Dương trên 47 tỉ USD; Đồng Nai trên 35,31 tỉ USD; Bà Rịa -Vũng Tàu trên 21 tỉ USD...
Giải thích lý do thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 370.000 tỉ đồng, vẫn tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, bà Lê Như Quỳnh - cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) - cho biết có một loại nhóm mặt hàng có số thu tăng đột biến như xăng dầu, dầu thô xuất nhập khẩu giúp ngân sách tăng thu hơn 7.000 tỉ đồng; sắt thép, quặng sắt làm tăng thu hơn 11.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, lượng ôtô nhập khẩu năm nay tăng 1,6 lần so với năm ngoái, giúp tăng thu hơn 14.000 tỉ đồng...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh số thu ngân sách ngành hải quan đạt được là cao nhất từ trước đến nay cả về tốc độ cũng như số tuyệt đối. Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 ngành hải quan được giao 352.000 tỉ đồng, bà Mai đề nghị ít nhất vượt 5% dự toán.
Để đạt được con số này, bà Mai yêu cầu ngành hải quan phải áp mã chính xác. Trên thực tế, như mặt hàng dược liệu, có cục hải quan thu nhưng có cục hải quan lại xếp vào mặt hàng không chịu thuế. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan phải quản lý được trị giá hàng hóa mới thu thuế đúng và đủ.
Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vẫn khó
Về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Vượng - phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - cho hay với năng lực thông quan hiện tại, cùng việc đến ngày 17-1-2022 (tức ngày 15-12 âm lịch) Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan hàng lạnh thì tổng lượng xe được thông quan chỉ đạt khoảng 900 xe. Như vậy số xe nông sản còn tồn đến Tết Nguyên đán là hơn 1.000 xe nữa, trong điều kiện không có thêm xe hàng nào được chở lên.
Ông Vượng cũng lo ngại tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ sẽ vẫn khó khăn. Theo thông báo từ Sở Ngoại vụ Lạng Sơn về việc Trung Quốc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải xuyên biên giới cần vận chuyển riêng rẽ người với hàng hóa và vận chuyển theo từng chặng, giao hàng không tiếp xúc.
"Như vậy, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu đường bộ cho đến ngày 15-3 năm sau. Do đó, việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu không có phương án kiểm soát dịch tốt..." - ông Vượng nhận định.
Theo ông Vượng, các doanh nghiệp có thể thỏa thuận với đối tác phía Trung Quốc nhận hàng nông sản bằng đường sắt thay vì đường bộ để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có và phù hợp với chính sách "zero COVID" của Trung Quốc.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cán mốc 668,5 tỉ USD, ước tăng tới 123 tỉ USD so với năm 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Vừa qua, tọa đàm 'Bứt phá doanh thu cuối năm: Lối đi nào cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu' đã được tổ chức với sự phối hợp của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Alibaba.com.
Xem thêm: mth.39785208082211202-dsu-it-321-gnat-uahk-pahn-taux/nv.ertiout