Nguy cơ lạm phát
Mặc dù có những dự báo lạm phát sẽ dịu vào năm 2023, tuy vậy không thể phủ nhận năm 2022, kinh tế Việt Nam đứng trước rủi ro lạm phát. Trong khi, hiện tượng vốn chảy mạnh vào bất động sản, chứng khoán... tạo nguy cơ bong bóng tài sản rình rập.
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn,... là những yếu tố đang tạo ra áp lực rất lớn cho lạm phát trong năm tới.
Trong vòng 12 tháng qua, giá dầu đã tăng gấp đôi. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa có dấu hiệu dịu xuống. Nhiều chuyên gia dự báo đà tăng của giá năng lượng sẽ kéo dài đến hết năm nay bởi nguồn cung vẫn chưa thể theo kịp nhu cầu.
Kinh tế Việt Nam được nhận định đang đứng trước rủi ro lạm phát khi Chỉnh phủ triển khai mạnh các biện pháp phục hồi tăng trưởng bằng nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ. Tại Việt Nam, trung tuần tháng 11/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo "năm 2022 rủi ro lạm phát là rất lớn". Còn theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: Đại dịch Covid-19 khiến việc di chuyển hàng hóa giữa các quốc gia và địa phương gặp nhiều cản trở, đẩy chi phí logistic lên cao.
Chỉ số lạm phát đang được dự báo có thể tăng cao trước những biến động của nền kinh tế như các gói kích cầu được tung ra, hoạt động đầu tư công đẩy mạnh, giá nguyên vật liệu và xăng dầu tăng…
Theo chuyên gia trong ngành, việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu áp lực rất lớn, do nhiều mặt hàng trong nước như giá điện, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế sẽ được điều chỉnh tăng, do đã giảm hoặc không tăng trong năm nay, đồng thời giá nguyên liệu, xăng dầu thế giới tiếp tục tăng.
Theo Bộ Tài chính, từ việc đánh giá áp lực lạm phát tăng cao từ đầu năm 2022, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do Quốc hội đặt ra (tiếp tục ở mức khoảng 4%) sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng trong năm 2022, sức bật sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, cộng với lượng cung tiền mạnh hơn thông qua việc thực hiện các biện pháp kích thích, hỗ trợ bằng tài khóa, tiền tệ sẽ tạo áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chuyên gia dự báo lạm phát năm sau sẽ nhích lên khoảng 3,3 - 3,6%, nguyên nhân là kinh tế Việt Nam phục hồi chậm hơn so với một số nước trên thế giới.
Nguy cơ bong bóng BĐS?
Có thể thấy, trong gần hai năm đại dịch Covid-19, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh và cả dịch vụ bị đình trệ thì thị trường chứng khoán và bất động sản lại có nhiều "cơn sốt".
Các chỉ số chứng khoán liên tục tạo đỉnh mới với số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng vọt. Giá đất nhiều nơi tăng cao, các cơn sốt đất vùng ven, khu công nghiệp,... diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Giải thích cho sự tăng nóng của chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là lãi suất tiền gửi đã ở mức rất thấp trong khi việc đầu tư mới hay mở rộng kinh doanh rất hạn chế khiến tiền nhàn rỗi đi vào các kênh rủi ro hơn.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, hiện tượng sốt đất như hồi đầu năm 2021 sẽ không xảy trong năm 2022 do năm vừa qua Nhà nước đã cơ bản kiểm soát nhờ các chính sách. Tuy vậy, cũng không nên chủ quan với lạm phát, do đó cần tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, do đại dịch Covid-19, năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói chung, và thị trường Bất động sản nói riêng. Song đây cũng là năm khẳng định sự thích ứng linh hoạt, đổi mới trong các phương thức tổ chức vận hành, cũng như những nỗ lực hỗ trợ, cải cách từ Chính phủ, tới các đơn vị doanh nghiệp, để từng bước phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.
"Tôi thấy rằng điều quan trọng mà Chính phủ cần làm là hỗ trợ mở rộng nguồn cung bất động sản ra thị trường để bong bóng bất động sản và kinh tế không xảy ra. Nếu không, giá cả sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2022 và ngành bất động sản sẽ trở nên khó chạm tới kể cả với người mua nhà ở, khách thuê văn phòng hay những nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp", chuyên gia Savills nhấn mạnh.
Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.22413431182211202-2202-man-nas-gnod-tab-gnob-gnob-iagn-ol/nv.zibefac