Nữ hoàng Elizabeth I phong tước hiệp sĩ cho Francis Drake vì thành tích cướp bóc tàu buôn Tây Ban Nha, đối thủ của nước Anh vào cuối thế kỷ 16 - Ảnh: National Geographic
Caesar cũng bị cướp biển
Hiếm có "nghề" nào có bề dày lịch sử như cướp biển. Một số tài liệu cổ còn nhắc đến sự xuất hiện của một liên minh hải tặc có tên gọi "Các dân tộc biển" từ thế kỷ 14 trước Công nguyên (TCN), chuyên đi cướp tàu bè các nền văn minh Aegean và Địa Trung Hải. Sự tồn tại của liên minh này cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn cho các sử gia vì thiếu các tài liệu để xác định cụ thể họ là ai.
Sử sách phương Tây ghi nhận các vụ cướp biển đầu tiên từ hơn 2.000 năm TCN vào thời Hy Lạp cổ đại. Ngay cả các tàu của La Mã cũng trở thành mục tiêu bị cướp, bao gồm cả tàu chở Julius Caesar lúc này vẫn chưa trở thành nhà độc tài.
Trong quyển Parallel Lives (tạm dịch: Những cuộc đời song hành), nhà sử học Plutarchus (46 - 119 sau Công nguyên) viết Caesar bị cướp biển bắt vào năm 75 TCN khi đang đi tàu qua vùng biển gần đảo Farmakonisi. Khi bị đòi phải trả 20 talent (đơn vị tiền tệ thời đó) để được thả, Caesar đã cười lớn và cho rằng bọn cướp ngu dốt không biết đã tóm được ai rồi trả giá... lên 50 talent.
Trong 83 ngày bị bắt nhốt trên đảo Farmakonisi, Caesar không những không sợ sệt mà trái lại còn đọc thơ và diễn thuyết cho bọn cướp biển nghe. Những ai không hiểu hay tán thưởng sẽ bị Caesar chửi là kẻ man rợ thất học và hăm he treo cổ nếu ông được tự do. Những biểu hiện của Caesar trở thành trò tiêu khiển của bọn cướp, kể cả khi ông dọa sẽ đóng đinh cả bọn, chúng vẫn chỉ nghĩ đó là lời của kẻ gàn dở.
Nhưng nhà độc tài tương lai đã không nuốt lời. Khi tiền chuộc được gửi đến, việc đầu tiên Caesar làm khi về tới cảng Miletus (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) là huy động một đội chiến thuyền đến hang ổ cướp biển. Vì đã rành đường đi nước bước, ông bắt được tất cả và đóng đinh chúng như "lời hứa" lúc bị giam cầm.
Bất chấp các nỗ lực trấn áp của Rome, cướp biển vẫn không hoàn toàn biến mất và chỉ chờ lúc La Mã rối ren để trở lại. Những vụ cướp bóc không chỉ diễn ra trên biển mà còn trên bờ, ở các thành phố giàu có ven biển.
Các nhóm cướp biển nổi tiếng nhất vào thời Trung cổ có lẽ không ai vượt qua người Viking. Được ví như những chiến binh và hung thần trên biển đến từ Scandinavia, người Viking đã đánh phá các thành phố ven biển, thọc sâu vào các thành quách nội địa ở Tây Âu để cướp bóc trong suốt 4 thế kỷ.
Sự áp đảo của người Viking một phần đến từ việc thời Trung cổ không có một sự thống nhất quyền lực rộng lớn như thời La Mã, do đó không có thế lực đơn độc nào đủ sức đương đầu với họ.
Thời hoàng kim của cướp biển
Trong suốt đêm trường Trung cổ, những nhóm cướp biển không ngừng xuất hiện khiến hoạt động giao thương đường biển bị đe dọa, đặc biệt ở biển Baltic, biển Bắc đến vịnh Bothnia là trên bờ vực sụp đổ. Trước sự lộng hành của cướp biển và quyền lợi bị đe dọa, các hội nhóm thương nhân và thành phố ven biển trong khu vực đã liên kết lại, tạo ra Liên minh Hanse tồn tại từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 17.
Giai đoạn đỉnh cao Liên minh Hanse có hơn 200 thành phố thành viên trải rộng trên 7 quốc gia ngày nay là Đức, Hà Lan, Nga, Ba Lan, Thụy Điển, Latvia và Estonia. Các thành phố Liên minh Hanse còn đặt ra các quy tắc thương mại riêng và sở hữu sức mạnh có thể đối đầu với các vương quốc chuyên chế.
Bước vào kỷ nguyên thuyền buồm, từ giữa thế kỷ 16, Liên minh Hanse bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề nội bộ và bị các đối thủ mới nổi như Anh, Hà Lan thách thức trên biển rồi đi đến bờ sụp đổ vào thế kỷ 17.
Trong khoảng 100 năm sau đó, từ năm 1620 đến 1720 chứng kiến nạn cướp biển phát triển mạnh và thường được biết đến với tên gọi thời kỳ hoàng kim của cướp biển. Đây cũng là giai đoạn của các cuộc khai thác thuộc địa và các cường quốc biển như Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vươn lên rồi suy tàn, những chuyến tàu chở châu báu từ Tân Thế giới về Lục địa già và các con tàu chở đầy nô lệ sang Bắc Mỹ.
Trong thời kỳ này xuất hiện hai loại cướp biển hợp pháp và bất hợp pháp. Cướp biển hợp pháp là những nhóm được sự bảo trợ của một quốc gia, nhận lãnh trách nhiệm tấn công và cướp bóc tàu buôn của nước khác, đôi khi còn truy lùng những toán cướp biển tấn công tàu của quốc gia bảo trợ. Những thứ cướp được thường được chia chác, với phần lớn thuộc về cướp biển và số còn lại nằm trong quốc khố của nước bảo trợ.
Thứ duy nhất phân biệt đâu là cướp biển hợp pháp và bất hợp pháp là giấy phép do chính quyền cấp dưới dạng một lá thư biểu dương và kêu gọi trả thù. Nếu không có "giấy phép" này, hành động tấn công và cướp bóc tàu buôn, dù là tàu nước ngoài, cũng sẽ bị xem là cướp biển và thường trả giá bằng mạng sống.
Ở một khía cạnh nào đó, cướp biển hợp pháp mang dáng dấp của những người lính đánh thuê nhưng có thêm niềm tự hào dân tộc. Chưa có ước tính chính xác cho thấy có bao nhiêu "giấy phép" cướp biển đã được cấp trong suốt kỷ nguyên thuyền buồm. Thay vì đổ tiền cho hải quân trong thời bình, bằng cách tư nhân hóa, các chính phủ đã tiết kiệm được hàng loạt chi phí từ nhân mạng đến lương bổng và đóng tàu.
Tàu chở châu báu và tàu buôn của Tây Ban Nha trở thành mồi ngon cho hải tặc Caribê, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp - Ảnh chụp từ clip
Vì sao có cướp biển?
Trong kỷ nguyên thuyền buồm, hình phạt dành cho cướp biển bất hợp pháp không gì ngoài treo cổ thị chúng. Theo Bảo tàng hoàng gia Anh, xác của những cướp biển sẽ bị bỏ vào lồng sắt và treo ở cửa sông, bến cảng để răn đe những người có ý định làm hải tặc.
Tuy nhiên nhiều người từng phục vụ trong các tàu buôn hoặc tàu hải quân vẫn chọn trở thành cướp biển. Những người da màu bị bán làm nô lệ trong các đồn điền ở Bắc Mỹ và vùng Caribê cũng chiếm số đông trong các nhóm hải tặc.
Cuộc sống trên một con tàu hải tặc có lẽ với những người này là rất hấp dẫn vì không chịu sự ràng buộc của bất kỳ luật pháp quốc gia nào, chưa kể tiền và châu báu cướp được chia đều. Hầu hết những người muốn làm hải tặc đều hy vọng trở nên giàu có nhanh chóng nếu chiếm được một con tàu chở châu báu.
Khi bắt được các tàu buôn, thuyền trưởng hải tặc sẽ yêu cầu thủy thủ đoàn tình nguyện phục vụ dưới quyền mình. Đa số sẽ đồng ý trở thành cướp biển vì cuộc sống sẽ tốt hơn trước, đặc biệt với những người đã làm trên các tàu buôn nô lệ. Đây là cách hành xử thường thấy của hải tặc cờ đen, trái ngược với hải tặc cờ đỏ luôn sẵn sàng giết tất cả nếu gặp phải kháng cự.
Thoạt đầu cờ hải tặc chỉ có một màu đỏ như máu báo hiệu kết cục của những tàu chống đối. Về sau, khoảng đầu những năm 1700, khi hoạt động cướp biển trở nên "nhộn nhịp hơn" và mang tính cá nhân, nhiều cờ hải tặc hơn đã xuất hiện. Trong đó cờ hình đầu lâu và xương chéo (Jolly Roger) trên nền đen phổ biến hơn cả và được biến tấu tùy ý thuyền trưởng hải tặc. Biểu tượng này lấy ý tưởng từ ký hiệu có người chết được sử dụng trong nhật ký hải trình.
Francis Drake (1540 - 1596) là cướp biển hợp pháp nổi tiếng nhất nước Anh. Vào thế kỷ 16, ông ta đã nổi danh vì tấn công các tàu chở kho báu của Tây Ban Nha trở về từ Tân Thế giới và chia sẻ lợi nhuận với Nữ hoàng Elizabeth I. Chuyến thám hiểm hàng hải của Drake cũng mở đường cho nước Anh đặt tham vọng soán ngôi cường quốc biển của Tây Ban Nha. Vì những thành tích của mình, Drake được Elizabeth I phong tước hiệp sĩ và sau này trở thành phó đô đốc chỉ huy hạm đội Anh, góp phần vào chiến thắng trước hạm đội Tây Ban Nha năm 1588.
**********
Cuộc truy lùng những tàu chở kho báu bị mất tích của Tây Ban Nha đã dẫn tới sự ra đời của "Cộng hòa cướp biển" tại vùng Caribê với những nguyên tắc dân chủ nhiều người không ngờ tới.
>> Kỳ 3: Huyền thoại và đời thực về kho báu cướp biển
TTO - Không chỉ trong thế kỷ 21, hải tặc và chống hải tặc là cuộc chiến dai dẳng kéo dài cả hàng ngàn năm qua. Gần đây, nhiều quốc gia đưa cả tàu hải quân hùng hậu đi dẹp loạn cướp biển. Nhưng nạn cướp biển tạm yên chỗ này lại bùng nơi kia.