Số liệu trên được đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra tại họp báo ngày 28/12.
Con số này thấp hơn gần 5 tỷ USD với mức 18 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư ước tính.
Theo đại diện của Vụ quản lý ngoại hối, con số do WB đưa ra chỉ là ước tính và luôn có sự chênh lệch với số liệu thống kê chính thức từ Ngân hàng Nhà nước. Mức 12,5 tỷ USD do Ngân hàng Nhà nước thống kê được vị này cho là "chính xác" thông qua các đơn chuyển tiền có thông tin tên, tuổi, số tiền... qua tổ chức tín dụng, công ty kiều hối và bưu điện.
"Năm 2019, nguồn kiều hối về Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng từ năm ngoái đến năm nay vẫn tăng trưởng. Đây là nguồn cung quan trọng để ổn định thị trường ngoại hối và dự trữ ngoại hối", đại diện Vụ quản lý ngoại hối cho biết.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thêm, kiều hối chủ yếu chảy qua các tổ chức tín dụng, còn lại chảy qua công ty kiều hối (28%) và bưu điện (2%).
"Một năm khó khăn nhưng bà con kiều bào vẫn hướng về tổ quốc rất nhiều. Đây là nguồn ngoại tệ rất quan trọng trong điều kiện chúng ta còn khó khăn, cần nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển đất nước", ông Tú nói.
Tại Việt Nam, TP HCM là một trong những địa phương có lượng kiều hối cao nhất, chiếm khoảng 30%, sau đó là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây.
Theo dự báo trước đó của WB, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới.
Không chỉ tại Việt Nam, lượng kiều hối ghi nhận về các nước thu nhập thấp và trung bình cũng tăng hơn 7%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay. Lượng kiều hối tăng bất chấp đại dịch được ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) về an sinh xã hội và việc làm lý giải, do người di cư quyết tâm giúp đỡ gia đình và sự phục hồi kinh tế ở châu Âu, Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa, chương trình hỗ trợ việc làm.
Quỳnh Trang