Mark Zuckerberg đã thêm một lần nữa mở rộng khu phức hợp khổng lồ của mình ở đảo Hawaii.
Tỷ phú công nghệ kiêm CEO của Meta, công ty mẹ của Facebook, đã mua thêm 110 mẫu Anh đất (khoảng 0,45 km vuông) trên đảo Kauai, thuộc quần đảo Hawaii. Với sự bổ sung mới nhất này, số bất động sản của Zuckerberg, mà ông tự đặt biệt danh là Ko'olau Ranch, đã phát triển lên gần 1.500 mẫu Anh (khoảng 6 km vuông) trên bờ biển phía bắc của đảo Kauai.
Theo Star-Advertiser, việc mua lại này đã tiêu tốn của Zuckerberg 17 triệu USD. Mảnh đất cũng bao gồm một hồ chứa có tuổi đời hàng thế kỷ, từng bị vỡ đập vào năm 2006 dẫn đến trận lụt khiến 7 người thiệt mạng. Và thậm chí cái hồ này chưa được sửa chữa và vẫn được coi là có rủi ro cao. Nhưng Zuckerberg và vợ mình, Priscilla Chan, đã cam kết thực hiện các yêu cầu pháp lý xung quanh hồ chứa nước này.
Khu vực hồ chứa từng gây tai nạn chết người.
Lần mua đất mới nhất này cũng là lần mua thứ hai của Zuckerberg trong năm nay. Vào tháng 3, CEO này đã trả 53 triệu USD cho gần 600 mẫu đất (2,4 km vuông) ở Kauai, bao gồm một bãi biển công cộng và một trang trại chăn nuôi gia súc đang hoạt động.
"Mark và Priscilla tiếp tục làm nhà của họ ở Ko'olau Ranch", Ben LaBolt, phát ngôn viên của cặp vợ chồng tỷ phú, cho biết trong một tuyên bố.
Ông nói thêm rằng cặp đôi đã "hợp tác chặt chẽ với một số đối tác cộng đồng để vận hành một trang trại đang hoạt động, thúc đẩy bảo tồn, sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ động vật hoang dã và mong muốn mở rộng nỗ lực của họ để bao gồm tài sản bổ sung này."
Vợ chồng nhà Mark có hứng thú đặc biệt với bất động sản ở Hawaii.
Nhưng, sự hiện diện của cặp đôi trên đảo này vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong suốt 7 năm kể từ khi họ quyết định "cắm rễ" ở đó. Nhiều cư dân địa phương coi việc mua đất của Zuckerberg như một "chế độ quân chủ mới" và không tôn trọng lịch sử của hòn đảo.
Lần đầu tiên Zuckerberg khiến những người hàng xóm của mình tức giận là vào năm 2016, khi ông xây một bức tường cao gần 2 mét xung quanh tài sản của mình với mục đích giảm tiếng ồn từ đường cao tốc và đường xá. Một năm sau, Zuckerberg đã đệ đơn kiện hàng trăm người dân địa phương, những người vẫn có quyền sở hữu hợp pháp đối với các phần bất động sản nghỉ dưỡng mà Mark đã mua, thông qua thừa kế từ tổ tiên của họ. Việc này dựa trên Đạo luật Kuleana, một đạo luật của Hawaii được ban hành lần đầu vào năm 1850 cho phép người bản xứ có quyền sở hữu mảnh đất mà cha ông họ từng sống. Đây thường là các mảnh đất nhỏ trong một khu vực rộng lớn, nơi thường bị lãng quên về mặt pháp lý. Nhiều người thậm chí không biết họ có các quyền lợi này cho tới khi bị kiện.
Mark khi đó nói rằng việc kiện tụng là để "đảm bảo rằng các chủ sở hữu một phần nhỏ hơn cũng được trả tiền cho phần công bằng của họ". Nhưng các cư dân mô tả động thái này là "chủ nghĩa thực dân mới".
Zuckerberg sau đó đã từ bỏ vụ kiện, nói rằng mình và vợ muốn "làm cho điều này trở nên đúng đắn, trao đổi với cộng đồng và tìm ra một cách tiếp cận tốt hơn." Các mảnh đất tranh chấp cuối cùng đã được bán đấu giá, với ba trong số bốn mảnh đã được bán cho một nhà thầu mà Zuckerberg ủng hộ .
Trong khi Zuckerberg, Chan và hai cô con gái của họ sống ở Palo Alto, California, có vẻ như cả gia đình này đã chọn cách dành nhiều thời gian hơn tại khu đất trên đảo xa trong hai năm qua. Vào tháng 3 năm nay, cặp đôi này đã trao 4,2 triệu USD cho một chương trình việc làm cho những cư dân của Kauai bị mất việc làm do đại dịch. Gần đây, đã trao 4,85 triệu USD cho các khoản trợ cấp nhà ở có giá cả phải chăng.
Theo Bảo Nam
Pháp luật và bạn đọc