Đối với các nhà đầu tư chứng khoán Hàn Quốc, 2021 là một năm chứng kiến sự xuất hiện của metaverse. 6 trong 10 cổ phiếu có thành tích tốt nhất TTCK nước này đều có liên quan đến metaverse hoặc NFT.
Các cổ phiếu bao gồm Wemade Max Co. đã tăng 1.500% khi nỗ lực trở thành một nhà phát triển game blockchain. Trong khi đó, công ty sản xuất hiệu ứng ảo Giantstep tăng hơn 1.200% kể từ khi niêm yết vào tháng 3, khi nhà đầu tư đổ xô đến các cổ phiếu liên quan đến metaverse và các quỹ ETF.
Sắp tới, metaverse dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi đối với các nhà phát triển game online, người sáng tạo nội dung và cả các công ty K-pop. Tuy nhiên, các công ty làm việc trong những lĩnh vực công nghệ mới này sẽ phải chứng tỏ rằng doanh nghiệp của họ có khả năng tồn tại lâu dài hoặc sẽ đối mặt với những biến động có thể xảy ra.
Sung Jonghwa - nhà phân tích tại eBEST Investment & Securities Co., cho biết: "Tôi lạc quan về những công ty có sự chuẩn bị cẩn thận cho NFT và metaverse. Tuy nhiên, một số có thể gặp áp lực nếu họ không thể thực hiện lời cam kết của mình."
Ở thời điểm cuối năm, xu hướng đầu tư trên TTCK Hàn Quốc đang trở nên ảm đạm hơn do NHTW thắt chặt chính sách, Covid-19 tiếp tục lây lan và giao dịch ký quỹ bị hạn chế. Chỉ số Kospi dù có thành tích top đầu thế giới vào năm 2020 nhưng lại mất sạch mức tăng trong năm nay. Tuy nhiên, Kospi vẫn tăng 5% so với mức giảm 3% của MSCI Asia Pacific Index.
An Hyungjin - CEO của Billionfold Asset Management Inc., cho hay: "Chúng ta đang chứng kiến sự phân cực lớn trên thị trường. Nếu 1 số cổ phiếu tăng giá gấp 10 lần, thì một số cổ phiếu khác lại mất trắng."
Nhà đầu tư nhỏ lẻ trong quý này đã bắt đầu bán ra lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các cổ phiếu họ ưa thích, bao gồm Shin Poong Pharmaceutical Co. và Celltrion Inc. đều đảo chiều và lao dốc.
Trong khi đó, các quỹ ngoại đã bán ròng các cổ phiếu trong Kospi với tốc độ mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong năm 2020 và 2021, họ đã bán khoảng 50 nghìn tỷ won (42 tỷ USD).
Những "người chiến thắng"
Wemade Max Co. (tăng 1.499%)
Cổ phiếu này bắt đầu thăng hoa khi cổ đông lớn nhất là công ty mẹ Wemade ra mắt phiên bản toàn cầu thứ 4 của "Legend of Mir", cho phép người chơi chuyển đổi tài sản trong game thành tiền số có thể giao dịch.
Tháng 11, Wemade Max đã đặt ra mức biên độ dao động giá sau khi công bố đợt hoán đổi cổ phiếu để đưa Wemade Next Co. - nhà phát triển của Mir4, trở thành đơn vị hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của mình. Công ty này hiện có vốn hoá khoảng 615 triệu USD.
Tuy nhiên, diễn biến đầy biến động của cổ phiếu này đã thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý. Korea Exchange đã khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và đưa Wemade Max vào danh sách các cổ phiếu không được phép giao dịch ký quỹ từ ngày 16/12 cho đến khi có thông báo mới.
An cho biết: "Đó là một cổ phiếu có vốn hoá rất nhỏ và tăng vọt với kỳ vọng rằng Wemade sẽ hưởng lợi từ việc lấn sân sang metaverse. Tuy nhiên, mối liên kết đó lại không chặt chẽ."
Giantstep Inc. (tăng 1,276%)
Niêm yết trên sàn Kosdaq vào tháng 3, cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Seoul khởi sắc trong bối cảnh xu hướng metaverse đang bùng nổ. Công ty này đã hợp tác với các công ty K-pop, bao gồm cả SM Entertainment, để tạo hình ảnh đại diện ảo của các nghệ sĩ và cũng đang làm việc với Hybe Co.
An nói: "Đây là một cổ phiếu meme của lĩnh vực metaverse. Không rõ liệu đà tăng này có chắc chắn hay không."
Wemade Co. (tăng 856%)
Ngoài thành công vang dội của Mir4, công ty này còn nổi tiếng nhờ việc đặt NFT làm trọng tâm trong chiến lược xây dựng trò chơi Wemix có blockchain là nền tảng.
Nhà phân tích Sung của eBEST nhận định: "Đây là một trong những công ty được mong đợi nhất vì họ có tầm nhìn rất tốt."
Những kẻ thua cuộc
Shin Poong Pharmaceutical (giảm 74%)
Nhà phát triển thuốc điều trị Covid-19 đã chứng kiến vốn hoá giảm từ 6,4 tỷ USD vào tháng 1 xuống còn 1,4 tỷ USD trong tháng này. Nguyên nhân là do công ty không thể đảm bảo dữ liệu thống kê hợp lý từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho việc sử dụng thuốc sốt rét Pyramax để chống lại SARS-CoV-2. Năm ngoái, cổ phiếu này đã tăng 1.600%.
Celltrion (giảm 40%)
Đây là một công ty dược phẩm khác cũng không thể duy trì kỳ vọng về việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Cổ phiếu này đã tăng hơn 100% vào năm ngoái.
Doanh thu và lợi nhuận quý của công ty giảm so với 1 năm trước, trong khi doanh số bán thuốc điều trị kháng thể Covid-19 vẫn chậmc hạp. Việc phát triển viên uống điều trị Covid-19 của các hãng dược toàn cầu như Pfizer cũng tạo áp lực đối với cổ phiếu của Celltrion.
SK Chemicals Co. (giảm 41%)
Trong khi SK Bioscience Co. là công ty có cổ phiếu tăng giá thuộc top đầu trong số các đợt IPO vào năm nay, thì công ty mẹ SK Chemicals lại có thành tích không tốt. Nhà đầu tư không hài lòng về việc công ty này tách rời hoạt động cốt lõi là kinh doanh vắc-xin và quỹ phòng hộ Singapore Metrica Partners. yêu cầu họ bán bớt cổ phần trong công ty con.
Tham khảo Bloomberg
Xem thêm: nhc.81703001192211202-aul-uig-cul-on-gnad-yan-ueihp-oc-gnuhn-0051-gnat/nv.fefac