Nhóm tội phạm là những phần tử nguy hiểm, có súng đạn, thủ đoạn tàn ác, khiến ít nhất 5 người chết và 10 người bị thương khi trốn chạy. Vụ án gây xôn xao dư luận, thậm chí còn tác động đến giới chính trị.
Bạch Hiểu Yến là con gái của Bạch Băng Băng, ca sĩ - diễn viên kiêm MC nổi tiếng Đài Loan. Bạch Băng Băng sinh năm 1955, được biết đến qua các phim truyền hình như Người vợ tiên (1991), Thất hiệp ngũ nghĩa (1994), Viên ngọc bích (2006). Cô kết hôn với họa sĩ truyện tranh người Nhật Ikki Kajiwara năm 1978 nhưng ly hôn sau ba năm vì bị bạo hành. Bạch Hiểu Yến được mẹ đưa từ Nhật Bản về Đài Loan khi mới một tuổi.
Ngày 14/4/1997, Hiểu Yến, 17 tuổi, rời nhà ở quận Lâm Khu, thành phố Tân Bắc để đi học, rồi bặt vô âm tín. Tối đó, Bạch Băng Băng nhận được cuộc gọi yêu cầu đến nghĩa trang cạnh phòng bảo vệ ở cổng sân golf Trường Canh, thị trấn Quy Sơn. Đến nơi, cô tìm thấy một tờ giấy đòi tiền chuộc 130 triệu Đài tệ, yêu cầu giao tiền mặt không có số sê ri liền nhau. Chúng gửi cùng một số vật dụng, ảnh bán khỏa thân và một ngón tay út của con gái.
Nhận được trình báo, cảnh sát lập tức lập tổ chuyên án.
Từ ngày 15 đến 19/4/1997, kẻ bắt cóc nhiều lần gọi điện thoại nhưng đều sử dụng điện thoại di động ăn trộm nên cảnh sát không lần ra được tung tích. Ngày 18 và 19, chúng liên tục thay đổi bảy điểm hẹn nhưng không chịu xuất hiện. Lúc này, Băng Băng thông qua bọn bắt cóc để hỏi han, từ đó biết con gái vẫn còn sống.
Ngày 23/4, sau nhiều ngày im lặng, chúng gọi lại và hẹn giao tiền tại thành phố Tân Trúc, nhưng tiếp tục cho cảnh sát "leo cây". Sau nhiều ngày dằn vặt, Băng Băng gần như suy sụp.
Ngày 25/4, chúng lại hẹn giao tiền ở Đào Viên rồi không lộ diện. Lúc này, cảnh sát nắm được hành tung của bọn bắt cóc và đồng loạt khám xét tại 5 địa điểm, bắt Lâm Trí Năng, Ngô Tái Bồi. Cảnh sát cũng phát hiện hai nghi phạm chủ chốt là Trần Tiến Hưng và Lâm Xuân Sinh ở quận Tam Trọng, thành phố Tân Bắc. Khi vây bắt, bọn chúng dùng súng chống trả, chạy thoát. Vợ của Hưng là Trương Tố Trinh bị cảnh sát bắt.
Ngày 26/4, cảnh sát phán đoán Hiểu Yến vẫn còn sống, nếu không nhanh chóng truy bắt Hưng và Sinh, con tin sẽ gặp nguy hiểm. Bạch Băng Băng tổ chức họp báo vào ngay sáng hôm đó, xin người dân giúp đỡ cứu con gái. Tất cả phương tiện truyền thông đã đăng tin này trên trang nhất.
Ngày 27/4, cảnh sát vận động người thân của bọn bắt cóc lên truyền hình kêu gọi chúng thả con tin. Họ cũng xác định được Cao Thiên Dân có liên quan vụ án.
Thi thể của Hiểu Yến được phát hiện ngày 28/4 trên con sông ở quận Thái Sơn, thành phố Tân Bắc. Bác sĩ pháp y nhận định nạn nhân đã tử vong từ 8 đến 10 ngày trước.
Chính quyền tuyên bố toàn lực truy bắt ba nghi phạm là Hưng, Sinh và Dân. Kể từ đó, cảnh sát liên tiếp mở cuộc truy lùng quy mô lớn ở nhiều địa phương. Ba tên tội phạm cũng bắt đầu trốn chạy khắp Đài Loan.
Ngày 9/5, trước áp lực phải nhanh chóng giải quyết vụ án từ giới chính trị và các đoàn thể học sinh, nhà chức trách treo thưởng 10 triệu Đài tệ cho người cung cấp thông tin hữu ích.
Đến 24/5, cảnh sát bắt Trương Chí Huy, em rể của Hưng, vì tình nghi che giấu tội phạm. Huy khai đã đưa đồ ăn đến một nhà xưởng ở đường Đại Quan, quận Bản Kiều cho Hưng và hai kẻ khác vào đầu tháng 5. Nhưng khi cảnh sát dẫn đội ngũ đông đảo đến khám xét khu vực này lại không tìm thấy gì.
Ngày 28/5, Viện kiểm sát quận Bản Kiều, nơi đang điều tra vụ án, nhận được một lá thư do ba nghi phạm đào tẩu viết và ấn dấu vân tay. Trong thư, chúng nhận tội bắt cóc và nói vụ việc không liên quan những người bị giam giữ, yêu cầu thả Trinh, Huy và những người khác.
Trong thời gian lẩn trốn, các nghi phạm vẫn ngang nhiên phạm tội. Ngày 6/6, chúng bắt cóc Thái Minh Đường, Ủy viên Hội đồng thành phố Tân Bắc, đòi 5 triệu Đài tệ tiền chuộc. Thái Minh Đường bị đe dọa không dám trình báo, sự việc chỉ bị phanh phui sau khi Hưng sa lưới.
Ngày 8/8, chúng tống tiền một doanh nhân họ Trần ở Tân Bắc, đút túi 5 triệu Đài tệ. Ngày 11/8, Hưng cầm súng đột nhập một ngôi nhà trên phố Phú Dương, trói ba phụ nữ. Bị một cảnh sát phát hiện, Hưng bắn người này hai phát rồi cướp xe đạp của một người qua đường để chạy trốn.
Ngày 14/8, hai vụ án trên được báo chí đăng tải, trước đó không ai biết ngoài các quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề về cảnh sát. Diệp Kim Phượng, người đứng đầu cơ quan nội vụ Đài Loan, lên tiếng xin lỗi người dân vào ngày 15/8 vì đã che giấu thông tin. Diêu Cao Kiều, người đứng đầu cơ quan cảnh sát Đài Loan, đệ đơn từ chức và được phê chuẩn.
Ngày 19/8, ba kẻ đào tẩu được phát hiện tại đường Ngũ Thường và đường Long Giang ở Đài Bắc. Bọn chúng đấu súng quyết liệt với cảnh sát. Lâm Xuân Sinh bị trúng 6 phát đạn sau đó tự sát. Một cảnh sát hy sinh.
Cuộc truy bắt này ghi dấu ấn là lần đầu tiên cảnh sát huy động đội an ninh đặc biệt và cử lực lượng đông đảo nhất, cũng là lần đầu tiên đài truyền hình Đài Loan phát trực tiếp cảnh đấu súng.
Này 23/10, Dân và Hưng gây án tại một phòng khám thẩm mỹ ở Đài Bắc. Bác sĩ Phương Bảo Phương cùng vợ và một y tá bị chúng bịt mắt, mũi, miệng bằng băng dính vàng, trói chân, còng tay rồi bắn vào đầu. Theo điều tra, chúng ép bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cho Dân sau đó giết người diệt khẩu. Nữ y tá còn bị Hưng tấn công tình dục trước khi chết.
Ngày 5/11, Hưng viết thư cho United Daily News, bày tỏ bất mãn vì vợ bị bắt và tuyên bố sẽ đòi lại công bằng, đe dọa sẽ liên lụy đến người vô tội.
Ngày 17/11, cảnh sát nhận được tin Dân xuất hiện ở đường Thạch Bài, Đài Bắc và lập tức vây bắt. Trong cuộc đấu súng, Dân đã tự sát khi thấy không còn đường trốn.
18h ngày 18/11, Hưng đột nhập dinh thự của Đại tá McGill Alexander, nhà ngoại giao người Nam Phi, bắt gia đình 5 người của McGill làm con tin, khiến sự việc được truyền thông quốc tế chú ý. Hưng nói với cảnh sát rằng anh ta muốn bắt cóc người nước ngoài để làm con bài mặc cả, đưa ra các điều kiện như phỏng vấn với truyền thông quốc tế, gặp vợ và công tố viên. Lúc 22h, Hưng đấu súng với cảnh sát, đạn lạc khiến McGill và con gái lớn của ông bị thương.
Vụ bắt giữ con tin này tạo tiền lệ cho truyền thông Đài Loan phỏng vấn tội phạm bắt cóc tại hiện trường qua điện thoại. Từ 0h32 sáng 19/11, Hưng liên tục nhận phỏng vấn với hơn chục cơ quan truyền thông trong và ngoài nước. Hắn thoải mái nói về quá trình phạm tội, cố gắng tô vẽ mình như người hùng.
Sau khi đàm phán với nhà chức trách, Hưng đồng ý đầu hàng. Tuy nhiên, vụ việc này ít nhiều đã làm lung lay niềm tin của người dân Đài Loan với trật tự trị an tại đây. Giới truyền thông cũng bị chỉ trích vì cho tội phạm cơ hội lên tiếng, tỏ thái độ.
Sau khi Hưng bị bắt, thông qua đối chiếu ADN, cảnh sát xác nhận hắn đã thực hiện hơn 19 vụ tấn công tình dục trong thời gian chạy trốn. Hắn đột nhập và cưỡng hiếp các nạn nhân ở nhà một mình, thậm chí còn ăn uống, cướp đồ đạc có giá trị và đe dọa nạn nhân sẽ quay lại trả thù nếu báo cảnh sát. Do đó, theo các điều tra viên, số nạn nhân thực tế có thể vượt xa con số 19.
Ngày 24/12/1998, Trần Tiến Hưng và hai đồng phạm bị tuyên án tử hình, thi hành án vào ngày 6/10/1999.
Sau vụ án, Bạch Băng Băng thành lập Quỹ Giáo dục Văn hóa Bạch Hiểu Yến để tưởng niệm con gái, thực hiện hoạt động công ích liên quan đến thanh thiếu niên, nhi đồng và thúc đẩy phản đối bãi bỏ án tử hình ở Đài Loan.
Năm 2000, McGill Alexander xuất bản cuốn sách Hostage in Taipei, kể lại chi tiết ngày gia đình ông bị Hưng bắt làm con tin.
Tuệ Anh (Theo Chinatimes, Baike, Nownews)
Xem thêm: lmth.1539044-naol-iad-gnod-gnur-gneit-ion-neiv-neid-un-auc-iag-noc-coc-tab-uv/ten.sserpxenv