Nói với VnExpress sáng 29/12, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết 4 mã thanh long của Bình Thuận và 2 mã của Long An bị cơ quan chức năng TP Bằng Tường, Trung Quốc dừng thông quan.
Nguyên nhân theo phía Hải quan Bằng Tường là họ phát hiện một số mẫu thanh long về cảng TP Bằng Tường từ 20/11 đến 27/12 dương tính với Covid-19.
Do vậy, phía Hải quan Bằng Tường quyết định huỷ bỏ, không tiếp nhận lô hàng này. Đồng thời, Trung Quốc sẽ dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 0h ngày 29/12 đến 24h ngày 26/1/2022. Sau khi hết thời hạn trên, Bằng Tường sẽ tự động cho hàng nhập khẩu trở lại.
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, thông tin tạm dừng thông quan mới chỉ xuất phát từ phía nội bộ hải quan Trung Quốc. Chính quyền nước này chưa gửi thông báo chính thức về việc tạm dừng này cho Việt Nam.
Hôm nay (29/12), khoảng 5 xe thanh long vẫn túc tắc thông quan được. Tuy nhiên, ông cho biết, tình hình thông quan chung là "cực kỳ khó khăn" với tất cả mặt hàng, không riêng thanh long do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Theo thông tin Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn nắm được chiều 28/12, tổng số xe thanh long chờ xuất trong bãi Bảo Nguyên là 462 xe, số xe thực hiện khai báo chờ xuất là 48.
Đến trưa 29/12, ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, ước chừng 400 xe chở thanh long đã quay đầu khỏi cửa khẩu Hữu Nghị. "Đây là cửa khẩu đứng thứ hai về lượng thanh long xuất sang Trung Quốc, chiếm khoảng 5%", ông Hoàng nói. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - nơi 90% lượng thanh long đi sang Trung Quốc - đã bị dừng thông quan trước đó.
"Các doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng 30% giá trị thương phẩm vì quyết định tạm dừng nhập khẩu của Trung Quốc", ông Hoàng nói. Để phần nào bớt lỗ, số hàng hoá này sẽ được bán xá (không đóng bao bì) tại Hà Nội với giá khoảng 2.500 đồng mỗi kg, tức chỉ bằng 10% của giá trị ban đầu của hàng hoá tính cả bao bì.
Tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục thúc đẩy hội đàm, đàm phán với chính quyền phía bạn để tháo gỡ. Hết ngày 28/12, lượng xe tồn tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma của Lạng Sơn là 3.838 xe, giảm 154 xe so với một ngày trước đó.
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết nguyên nhân chính do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa, nhằm gỡ lại phần nào chi phí.
Một số xe chở mít, dưa hấu đã quay đầu về Hà Nội, bán giá rẻ để cố gắng vớt vát. Theo ghi nhận của VnExpress tại một số điểm, mít Thái Tiền Giang được bán giá 8.000-15.000 đồng một kg trong khi bình thường là 30.000-40.000 đồng một kg.
Giá mua tại vườn của các loại nông sản này ở miền Tây, Tây Nguyên cũng bị ảnh hưởng khi rớt giá còn vài nghìn đồng một kg. Như mít được thương lái mua với giá 4.000-5.000 đồng một kg thay vì 10.000-12.000 đồng một kg; dưa hấu, thanh long từ 8.000 đồng một kg xuống 3.000-5.000 đồng một kg.
Trên thực tế, thời gian để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp khi tìm đường tiêu thụ cho số thanh long này không có nhiều. Bởi một quả thanh long từ lúc đóng thùng, vận chuyển, đến tay người tiêu dùng chỉ duy trì được độ tươi ngon trong 1 tháng. Trong khi trước đó, hàng hoá đã mất 3 ngày để lên đến cửa khẩu, và một số ngày để chờ đợi thông quan.
Hơn một tháng nay, hàng hoá, nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đã bị ùn ứ kéo dài tại các cửa khẩu chính ở Quảng Ninh, Lạng Sơn do nước này siết chặt các biện pháp chống Covid-19.
Đức Minh - Anh Minh