Sáng 31.12, Hội thảo "Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045" đã được tổ chức tại Ban Kinh tế Trung ương với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành.
Khánh Hoà có nhiều tiềm năng phát triển toàn diện
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.
Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, Khánh Hoà đã có nhiều nỗ lực khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012-2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm.
Khánh Hoà đã trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực; Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp...
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW cho thấy, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Việc nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kết luận 53- KL/TW chưa được hoàn thành, nhất là trong những năm gần đây, phát triển của Khánh Hòa không có những tăng trưởng đột phá so với nhiều tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt của tỉnh Khánh Hoà, vùng duyên hải Nam Trung bộ và cả nước - đó chính là sứ mệnh của Khánh Hòa trong thời gian tới.
Cần những chính sách đột phá
Trong buổi Hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến tỉnh Khánh Hoà đã được đặt ra như xây dựng Khánh Hoà trở thành trung tâm Logistic quốc gia, đưa Khánh Hoà trở thành trung tâm du lịch của vùng cũng như của cả nước....
GS.TS.NGND Lương Công Nhớ, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng: "Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của kinh tế Khánh Hòa, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dịch vụ logistics là ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Khánh Hòa trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực là, thách thức, nhưng cũng là yêu cầu tự thân của Khánh Hòa trong không gian phát triển và vị trí địa lý được ưu đãi".
PGS.TS. Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng trong tiến trình phát triển TP. Nha Trang - Khánh Hòa thực sự trở thành “Trung tâm du lịch” của vùng và tiến tới của quốc gia, cần làm rõ vai trò “hạt nhân” trong liên kết vùng, cụ thể là việc hiện thực hóa ý tưởng chiến lược “Tam giác tăng trưởng du lịch” Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt thông qua việc phát xây dựng và đưa vào hoạt động Quốc lộ 27C và trong tương lai gần là tuyến đường cao tốc nối TP. Nha Trang với TP. Đà Lạt và đường ven biển nối TP. Nha Trang với TP. Phan Rang.
Từ đó, PGS.TS. Phạm Trung Lương đưa ra đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trong bối cảnh mới. Đây là cơ hội để phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc trung ương.
Đánh giá cao ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định, với vị trí đặc biệt quan trọng của Khánh Hòa về địa chính trị, địa kinh tế cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, gắn với bảo vệ vững chắc quyền biển đảo, các đại biểu đều thống nhất việc cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, để hướng tới phát triển bền vững Khánh Hòa trên cơ sở khai thác tốt, có hiệu quả các lợi thế tiềm năng của Khánh Hòa; gợi mở những định hướng lớn có tính đột phá và phù hợp với các xu thế phát triển của quốc tế, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh bền vững, kinh tế tuần hoàn; khẳng định, Khánh Hòa phát triển không phải chỉ riêng cho Khánh Hòa mà còn cho cả vùng và cả nước.
Xem thêm: odl.453099-aoh-hnahk-neirt-tahp-ed-iom-ahp-tod-hcas-hnihc-ehc-oc-gnuhn-nac/et-hnik/nv.gnodoal