Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ thông tin trên tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 sáng 31/12.
Diễn đàn do Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các doanh nghiệp có nhu cầu, khả năng xuất khẩu vào Mỹ cần phối hợp với các đơn vị kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoàn tất các hồ sơ để sớm xuất khẩu trái bưởi sang Mỹ.
Bưởi da xanh Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)
"Sau trái bưởi, Mỹ sẽ xem xét, đánh giá để mở cửa cho trái dừa của Việt Nam vào thị trường này", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tích cực đàm phán để phía Mỹ cấp phép thêm cho hoa quả tươi của Việt Nam, trước mắt là trái bưởi da xanh và gần như đã đạt được thành quả.
Bưởi là một trong những cây trồng cho giá trị kinh tế cao và được trồng ở nhiều địa phương Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 105.400 ha bưởi, cho sản lượng gần 950.000 tấn; trong đó, Đồng bằng sông Hồng với gần 13.000 ha với sản lượng trên 170.000 tấn; trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 220.000 tấn; Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 340.000 tấn…
Từ nay đến quý 1/2022, cả nước sẽ thu hoạch khoảng 140.000 tấn bưởi. Đây sẽ là cơ hội tốt để trái bưởi Việt Nam sớm chinh phục được thị trường Mỹ.
Được biết, nhiều loại trái cây của Việt Nam đang được thị trường Mỹ ưa chuộng. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Mỹ đạt 203,2 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2020, góp phần đưa trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 đạt 3,25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Mỹ - thị trường nhập khẩu tiềm năng của trái cây Việt
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.
Mặc dù chịu tác động của dịch COVID19, nhưng Năm 2020, nước này vẫn nhập khẩu tới 14,1 tỷ USD trái cây, nhiều hơn năm 2019.
Hệ thống phân phối tại Mỹ phát triển đa dạng, nhiều cấp, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ. Tại Mỹ, hoa quả nhập khẩu được bán ở các chuỗi siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm đơn lẻ tại các khu thương mại, hệ thống nhà hàng, khách sạn và các kênh bán hàng trực tuyến, giao tận nhà.
Đáng chú ý, tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các hoa quả, đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam. Ngoài yếu tố cung cầu, có thể đây cũng là một phần lý do trái cây nhập khẩu đáp ứng tới 2/3 nhu cầu thị trường Mỹ.
Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Mỹ gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Các hoa quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô).
VTV.vn - Dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu bằng máy bay sang Australia, được bán với giá 30-35 AUD/quả (khoảng 600.000 đồng).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.91515005113211202-ym-oav-uahk-taux-coud-cuht-hnihc-man-teiv-ioub-iart-iot-yagn-06/et-hnik/nv.vtv