Trong báo cáo của TAND và VKSND về tình hình xét xử và công tác trong năm 2019, Chánh án TAND TP Lê Thanh Phong cho biết, trong tháng 12 này, vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch TP.HCM) sẽ được đưa ra xét xử.
Ngày 7/12, HĐND TP.HCM khai mạc kỳ họp lần thứ 17. Ngay trong buổi sáng, các đại biểu đã nghe báo cáo của TAND và VKSND về tình hình xét xử và công tác trong năm 2019.
Trong báo cáo này, khi đề cập đến một số vụ án sẽ đưa ra xét xử trong thời điểm cuối năm, Chánh án TAND TP Lê Thanh Phong cho biết, trong tháng 12 này, vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch TP.HCM) sẽ được đưa ra xét xử.
Liên quan đến vụ án, cuối tháng 9 vừa qua, TAND TP.HCM cho biết đã nhận được hồ sơ và cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến ông Nguyễn Hữu Tín. Trước khi về hưu ông Tín giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách đô thị.
Cùng bị truy tố trong vụ án còn có ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Trương Văn Út (cựu Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM), Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM).
Theo điều tra, các bị cáo đã giao trái quy định khu đất số 15 Thi Sách (quận 1) cho Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ. Khi được giao đất, Bắc Nam 79 không dùng vào mục đích hoạt động nghiệp vụ của ngành mà triển khai dự án nhằm thu lợi cá nhân.
Trở lại báo cáo của ông Phong, Tòa cho biết từ 1/12/2018 đến 31/10/2019 TAND 2 cấp (cấp quận, huyện và cấp thành phố) đã thụ lý mới 50.464 vụ việc các loại, tăng 1.605 vụ so với năm 2018.
Nói về những khó khăn trong hoạt động xét xử, thẩm phán Lê Thanh Phong cho rằng lượng án thụ lý ngày càng lớn và tăng nhanh đã khiến áp lực tăng cao. Trong khi đó chủ trương của TAND Tối cao là không tăng biên chế nên hiện có tình trạng 1 thư ký phải giúp việc cho 2 đến 3 thẩm phán.
Ngoài ra việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với tòa án để giải quyết vụ án chưa hiệu quả. Do chưa có chế tài cụ thể đối với trường hợp cản trở hoạt động tư pháp nên nhiều trường hợp cố tình không hợp tác.
Tại phần đề xuất, ông Phong kiến nghị TP xem xét tăng mức hỗ trợ cho thẩm phán, thư ký và hội thẩm nhân dân của TAND 2 cấp theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54.
Trong khi đó, báo cáo về công tác kiểm sát, Viện trưởng VKSND Đỗ Mạnh Bổng cho biết về tình hình tội phạm, trong năm 2019 đơn vị này đã khởi tố mới 9/110 vụ với 7.161 bị can. Trong số này nhóm tội phạm về ma túy lên tới 1.507 vụ với 1.908 bị can.
Đề cập đến hạn chế trong công tác này, báo cáo cho rằng tỷ lệ giải quyết tin báo của Cơ quan điều tra mới đạt 85,7% là chưa cao, tỷ lệ trả án để điều tra bổ sung vẫn còn lớn hơn tỷ lệ cho pháp.
Cũng theo ông Bổng, VKSND TP có khối lượng công việc rất lớn (chiếm 1/5 cả nước), nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, để hoàn thành nhiệm vụ, Viện cần nguồn kinh phí lớn để hoạt động. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của VKSND Tối cao còn hạn chế, do vậy Viện cho biết “rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương để phục vụ công tác”.
Xem thêm: ofni.112423tsop-21-gnaht-gnort-nit-uuh-neyugn-mchpt-hcit-uhc-ohp-uuc-ux-tex-es/nv.tenofni