Ngày 30/11, cựu Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời ở tuổi 96 vì bệnh máu trắng và suy đa tạng, báo chí Trung Quốc dẫn thông báo từ Đảng Cộng sản.
Ông Giang Trạch Dân là Chủ tịch Trung Quốc trong 1 thập kỷ, từ năm 1993.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ và thực hiện nhiều cách cách, đồng thời tiếp nhận đặc khu Hong Kong từ Anh và Macao từ Bồ Đào Nha một cách hòa bình. Cũng trong thời kỳ đó, Trung Quốc cải thiện quan hệ đáng kể với thế giới bên ngoài.
Về tư tưởng, ông được biết đến với thuyết "Ba đại diện", đã được đưa vào Điều lệ Đảng và Hiến pháp nhà nước.
Nhà lãnh đạo xuất thân từ tỉnh An Huy còn được biết đến với khả năng nói thạo nhiều ngoại ngữ, gồm tiếng Rumani, tiếng Nga và Anh. Một sở thích của ông là tiếp khách nước ngoài với những cuộc nói chuyện về văn học và nghệ thuật bằng ngôn ngữ của họ.
Ông còn được nhắc đến với việc dẫn câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, công khai sở thích xem phim Hollywood và hay hát những bài của phương Tây như “Love Me Tender”.
Những sở thích khác biệt này khiến một số người đánh giá thấp ông, nhưng sau 13 năm làm Tổng Bí thư Đảng, ông được đánh giá là một chính trị gia tài giỏi.
Năng lực quản lý giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ thời ông Đặng Tiểu Bình là một trong những thành công lớn nhất của ông Giang. Ông cũng giữ được ảnh hưởng chính trị lâu dài sau khi nghỉ hưu, có tiếng nói lớn đằng sau việc lựa chọn nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc – Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger tháng 7/2013, ông Giang khen ông Tập là một nhà lãnh đạo “mạnh mẽ”.
Những năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Giang gặp phải nhiều khó khăn. Ban đầu, ông cố gắng xoa dịu những người bảo thủ, phản đối việc Trung Quốc tiến đến kinh tế thị trường. Nhưng cuối cùng, ông thúc đẩy thành công việc mở cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài.
Trong thời gian lãnh đạo của ông Giang, Trung Quốc vươn lên trở thành trung tâm sản xuất của thế giới, một đối thủ kinh tế trỗi dậy để cạnh tranh với thế giới phát triển.
Ông Giang Trạch Dân và Phu nhân Vương Dã Bình. (Ảnh: Xinhua)
Quan hệ với Mỹ
Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ trong thời gian ông lãnh đạo vẫn gập ghềnh, nhất là giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ông được đánh giá là người thực dụng. Khác với những người tiền nhiệm, ông Giang tin rằng Trung Quốc không thể thịnh vượng lâu dài với tư cách là đối thủ của Mỹ.
“Ông ấy luôn coi trọng quan hệ với Mỹ, và tôi nghĩ ông ấy đã chấp nhận một số rủi ro để thúc đẩy quan hệ này. Nhưng ông ấy biết bật công tắc chống Mỹ khi cần phải thế”, Christopher K. Johnson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm phân tích Trung Quốc tại Viện Chính sách xã hội châu Á, đánh giá.
Khi bom của Mỹ rơi trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng, ông Giang gạt bỏ giải thích của chính quyền Clinton rằng vụ đó là sự cố.
Trong vụ đối đầu năm 2001, ông yêu cầu Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc và máy bay do thám của Mỹ đâm nhau giữa không trung, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn xuống đảo Hải Nam.
Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực hội nhập toàn cầu khi ông Giang đang tại nhiệm. Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, sau nhiều năm đàm phán khó khăn, chủ yếu vì Mỹ. Ông cũng đại tu học thuyết của Đảng Cộng sản, hiện đại hóa phong trào bắt nguồn từ giai cấp công nhân và nông dân thành phong trào thu hút cả trí thức và tầng lớp doanh nhân mới nổi.
Theo NYT
Xem thêm: nhc.87210021110212202-nad-hcart-gnaig-couq-gnurt-hcit-uhc-uuc-auc-na-uad/nv.fefac