Giữa tháng 11, Chính phủ lập Tổ công tác giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp và một số địa phương trong thực hiện các dự án bất động sản. Tại họp báo Chính phủ chiều 1/12, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh - người được giao là tổ phó - cho biết Tổ công tác đã làm việc ban đầu với TP HCM, Hà Nội và một số doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn và hướng dẫn tháo gỡ.
"Tổ công tác phân loại các khó khăn, vướng mắc của thị trường, doanh nghiệp và trực tiếp, đề nghị các bộ, ngành và địa phương xem xét, tháo gỡ kịp thời. Những gì Tổ công tác gỡ được ngay thì chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp tại chỗ", ông Sinh nói.
Theo đó, những vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, Tổ công tác đã yêu cầu các địa phương triển khai, phê duyệt dự án và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Khó khăn thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, tổ cũng phân loại, đề nghị các bộ tháo gỡ. Chẳng hạn, vướng mắc liên quan tới đất đai thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét; thủ tục đầu tư thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát, xử lý...
Còn các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, Tổ công tác đánh giá kỹ, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định kịp thời.
Trong đó, có những khó khăn về nguồn lực tài chính, danh mục đầu tư..., lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, để bán hàng, thu tiền về.
Theo ông Sinh, thị trường bất động sản đang vướng 4 khó khăn lớn cần giải quyết, là thủ tục đất đai, tín dụng, thủ tục đầu tư, hành chính. Tới đây Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản tiếp tục làm việc với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, một số địa phương có dự án bất động sản; doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, đôn đốc tháo gỡ và đề xuất Chính phủ giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh.
Bổ sung, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, trong số các khó khăn hiện tại, thủ tục đất đai và tín dụng là hai vướng mắc lớn nhất.
Nhắc tới giải pháp, ngoài gỡ vướng về thể chế, chính sách, ông cho rằng, cơ quan quản lý cần rà soát phân khúc các thị trường, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.
Với doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cần yêu cầu một số chủ đầu tư tìm cách hạ giá nhà xuống mức hợp lý hơn, thì người dân sẽ bỏ tiền ra mua. Theo ông, đây cũng là cách "giải cứu" các chủ đầu tư.
Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ hữu cơ với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp nhiều khó khăn, giao dịch giảm mạnh, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn từ đầu năm nay.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là tắc nghẽn dòng vốn. Trong đó, tín dụng bị hạn chế; việc phát hành trái phiếu cũng không khả quan khi cơ quan quản lý có nhiều động thái siết thị trường, nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu sai phạm bị xử lý...
Với các giải pháp đồng bộ đang và sẽ triển khai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tin, thị trường bất động sản sẽ sớm ổn định.
Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay việc chấn chỉnh thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, vốn, bất động sản... có thể tác động tới tâm lý nhưng "không thể không làm", bởi cần xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Ông giao Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi các nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước được giao sửa đổi nhanh các thông tư liên quan đến tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn.