TP.HCM đang nỗ lực vượt khó, di dời nhà chen lấn kênh rạch để nâng chất môi trường sống của đồng bào - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đại dự án cải tạo dòng kênh này là một kỳ tích của TP.HCM mà chính những người trong cuộc một thời cũng tưởng rằng khó có thể đi đến đích.
Kỳ tích Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Nếu như nói rằng dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè là khởi đầu, là động lực của các chương trình xanh hóa kênh rạch TP.HCM đều hoàn toàn chính xác. Bởi chương trình này được khởi động sớm từ năm 1985, trải qua nhiều đời lãnh đạo thành phố và phải khắc phục rất nhiều khó khăn mới có thể đi đến ngày cắt băng khánh thành.
Cái khó khăn lớn nhất đầu tiên là nguồn vốn. Những năm thành phố còn bộn bề khó khăn cuối thập niên 1980 sang 1990, tiền đâu ra để nạo vét con kênh dài xuyên thành phố mà đặc biệt là tái định cư hơn 11.000 hộ dân với gần 70.000 con người.
Không mấy ai biết giai đoạn đầu thành phố từng phải sử dụng cả tiền bán hóa giá nhà để làm, nhưng cũng có lúc phải tạm dừng vì vấn đề pháp lý, về sau mới có nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).
Ngoài nguồn vốn, dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn đối diện thử thách nặng nề về quỹ nhà tái định cư, rồi hàng loạt trở ngại từ nhà thầu Trung Quốc không đạt yêu cầu đã làm chậm trễ thời gian thi công, gây khó khăn và bức xúc cho người dân.
Năm 1993, dự án tiến hành giải tỏa hàng loạt nhà "cao cẳng", sang năm 1996 bắt đầu khởi công đoạn từ cầu Thị Nghè đến cầu Điện Biên Phủ. Sau 2 năm, phân khúc ngắn này hoàn thành, cảnh quan sạch đẹp hẳn lên đã thành động lực để tiếp tục phần lớn công việc còn lại...
Và rồi 18-8-2012, ngày khánh thành dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đã trở thành ngày lịch sử của nỗ lực cải tạo kênh rạch, nâng chất môi trường sống của TP.HCM.
Rất nhiều thử thách, rất nhiều khó khăn lớn đã phải vượt qua, kể cả bất tiện nặng nề cho dân vì dự án kéo dài, nhưng chính những đồng bào từng sống nhà "cao cẳng" trên kênh nước đen này cũng ngỡ ngàng khi quay lại chứng kiến sự đổi thay như một kỳ tích.
Bài học cho bao dự án
Nỗ lực hồi sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành công đã tạo điều kiện cho nhiều dự án cải tạo môi trường khác. Nhiều kinh nghiệm quý báu được đúc kết làm bài học, từ sử dụng nguồn vốn ODA đến giải tỏa - tái định cư người dân, rồi chọn nhà thầu, giải pháp kỹ thuật...
Các dự án lớn như tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm được khởi công. Như xóm "ổ chuột" bên bờ Nhiêu Lộc, những phận đời từng sống lay lắt trên nhà "cao cẳng" ven bờ kênh Tàu Hủ chính là chứng nhân rõ nhất của sự đổi thay lớn lao này.
Ông Phạm Văn Hoàng, 81 tuổi, người dân đã ba đời sống bên bờ kênh Tàu Hủ, tâm sự: "Chính đời tôi là chứng nhân con kênh huyết mạch giao thương này lụi tàn dần kể từ những năm 1970 và ngày càng ô nhiễm khủng khiếp. Nhiều người đã từng nói cái gì dơ nhất, tệ nhất, không biết vứt đi đâu thì cứ... vứt xuống kênh.
Hồi đầu chính quyền cải tạo con kênh này khoảng năm hai ngàn lẻ, không ít người nói thẳng chắc chỉ làm lụp chụp vậy thôi, chứ sao thay đổi toàn diện nổi. Vậy mà kết quả đã như một giấc mơ".
Sự thật giấc mơ của ông Hoàng chính là những túp lều mái tôn, mảnh gỗ, tấm bạt, "cầu tõm" đã được thay bằng hàng cây xanh tỏa bóng mát rượi. Đôi bờ đầy rác rưởi hôi hám một thời cũng được trồng dải cỏ xanh đẹp. Và đại lộ Võ Văn Kiệt trở thành một trong những con đường đẹp nhất TP.HCM, kết nối đông - tây thành phố, giảm bớt sự quá tải cho các tuyến đường bên trong.
Đặc biệt, cũng như hiệu quả của Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa được nạo vét bùn lầy, giải tỏa nhà lấn chiếm, giảm thiểu rác thải đã khơi thông dòng chảy trên trục tiêu thoát nước chính của thành phố...
Gần đây, câu chuyện "hồi sinh" kênh Hàng Bàng tiếp tục là một bước ngoặt. Ngược dòng thời gian, con kênh đào này có một "số phận" kỳ lạ.
Trăm năm trước, dòng chảy dài gần 2km từng là thủy lộ giao thương quan trọng với cảnh trên bến dưới thuyền ở đôi bờ quận 5, quận 6. Nhưng rồi nó cũng cùng chung số phận ô nhiễm nặng nề như bao kênh rạch khác, thậm chí rác thải quá nhiều đã làm gần như nghẽn hẳn dòng nước.
Hàng Bàng coi "chết" hẳn, bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Năm 2000, thành phố phải lấp tạm để làm cống hộp, nhưng thời gian chờ đợi kéo dài đã làm con kênh càng ô nhiễm rác thải trầm trọng hơn.
Đến năm 2015, con kênh lại được đào lên để hồi sinh dòng chảy, cải tạo cảnh quan xanh đôi bờ. Dù dự án vẫn còn tiếp tục, nhưng riêng đoạn kênh cải tạo hoàn tất cũng đã đem đến niềm vui cho người dân đôi bờ. Sáng chiều bà con ra tập thể dục dưới tán xanh bên bờ kênh thay cho cảnh bịt mũi, lánh xa sự ô nhiễm trước đây.
Người dân thành phố dạo chơi, hóng mát ở bờ sông Sài Gòn - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thử thách lớn và trách nhiệm từng người dân
Nhìn lại gần 50 năm qua, TP.HCM đã phát triển và đổi thay hẳn diện mạo cùng với dân số tăng gấp ba lần so với năm 1975. Trong lĩnh vực cải tạo môi trường kênh rạch, nhiều thành tựu lớn đã đạt được nhưng cũng phát sinh hàng loạt vấn đề như tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch, thu hẹp dòng chảy. Đặc biệt là các hành vi vô ý thức hằng ngày của không ít người như xả rác thải...
Trong nỗ lực chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện hàng chục dự cải tạo kênh rạch và cảnh quan đôi bờ. 25 dự án được lên danh sách, có những dự án rất quan trọng đã tồn đọng nhiều năm như cải tạo rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh, kênh Hy Vọng... ở nhóm cần ưu tiên một.
Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay thành phố cũng đối diện với nhiều khó khăn như cần khai thông nguồn vốn đầu tư trong khi những dự án cải tạo môi trường đều có số vốn rất lớn. Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười (nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM), còn một vấn đề khó khăn rất lớn nữa là đền bù, giải tỏa, di dời.
Từ năm 2015, thành phố đã có kế hoạch di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, mà đến nay mới được 2.500 căn. Bài toán nguồn vốn, nhà ở tái định cư vẫn là thử thách nặng nề...
Các mốc thời gian 2025, 2030, 2035... và những kế hoạch, mục tiêu lớn lao của thành phố đang chờ đợi đi đến đích. Câu chuyện "hồi sinh" kênh rạch, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống người dân chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm và nhiều thử thách nặng nề phải vượt qua, thậm chí phải tính bằng thế hệ chứ không chỉ là 5 năm hay 10 năm tới.
Tuy nhiên, ngay từ hôm nay, chỉ cần từng người dân, từng em nhỏ biết yêu dòng sông, biết thương con rạch, dừng tay xả một mẩu rác là đã góp phần cực kỳ quan trọng làm "hồi sinh" những dòng xanh.
Và để mai này con cháu chúng ta tiếp tục được kể mãi câu chuyện như cha ông từng tự hào kể về thành phố quê hương mình 300 năm qua đã phát triển bên sông Sài Gòn cùng những dòng kênh rạch thân thương...
Mời tham gia diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn xưa - nay và ngày mai"
Vấn đề bảo vệ môi trường kênh rạch hiện là một thử thách đối với chính quyền và người dân TP.HCM - nơi tập trung sinh sống, làm ăn của hơn 10 triệu dân. Vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ 300 năm qua đã gắn liền với sông Sài Gòn và những dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé...
Đó là huyết mạch giao thông, giao thương, tiêu thoát nước, xử lý môi trường và cũng là nét văn hóa của thành phố đông dân nhất nước.
Dù chính quyền có đề ra nhiều chính sách, luật lệ môi trường, nhưng ý thức sinh hoạt cộng đồng trong mỗi cư dân sẽ là yếu tố quyết định để bảo vệ cho những dòng kênh mãi xanh.
Từ ngày 2-12, Tuổi Trẻ chính thức phát động diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn xưa - nay và ngày mai" để trân trọng tiếp nhận góp ý của quý bạn đọc. Nội dung viết về những ký ức, văn hóa kênh rạch xưa và nỗi buồn ô nhiễm của hôm nay, đồng thời hiến kế xây dựng cho ngày mai. Bài viết xin gửi về email baoky@tuoitre.com.vn.
(tác giả vui lòng ghi tên, số điện thoại và tài khoản giúp báo Tuổi Trẻ thuận lợi chi trả nhuận bút)
TTO - "Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, nhiều người từ TP.HCM tự động trở về quê hương không còn chiến tranh, sau đó là chương trình kinh tế mới đưa người về khẩn hoang ở các tỉnh miền Tây, miền Đông và Tây Nguyên...".