Máy bay ném bom chiến lược B-21 có ngoại hình khá giống đàn anh B-2 - Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Buổi lễ ra mắt máy bay ném bom tàng hình B-21 diễn ra tại Nhà máy 42 của tập đoàn Northrop ngày 2-12 đánh dấu lần đầu tiên sau 30 năm Mỹ có một oanh tạc cơ được thiết kế mới.
Không quân Mỹ dự định mua 100 máy bay B-21 với đơn giá dự kiến rơi vào khoảng 700 triệu USD/chiếc để thay thế cho các máy bay B-1 và B-2.
Tập đoàn Northrop tuyên bố B-21 là máy bay thế hệ thứ sáu nhờ khả năng kết nối với các máy bay khác và dễ dàng tích hợp các loại vũ khí tương lai vào cấu trúc hệ thống.
Đại diện Northrop khẳng định lớp vật liệu mới của B-21 cùng hình dáng thiết kế đặc biệt sẽ giúp máy bay ít bị phát hiện hơn trên radar, nhờ đó sẽ "tàng hình" hơn những loại có trước. Máy bay cũng ít cần bảo trì hơn, giúp kéo dài thời gian hoạt động nhưng lại tiết kiệm chi phí vận hành.
"B-21 Raider là máy bay ném bom chiến lược đầu tiên của Mỹ được phát triển sau hơn ba thập kỷ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại lễ ra mắt ngày 2-12, nhấn mạnh đây là minh chứng cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế về mặt công nghệ và sự sáng tạo.
Chi tiết về B-21, tính năng kỹ chiến thuật của máy bay này vẫn chưa được công bố nhưng theo ông Austin, "không một máy bay ném bom tầm xa nào hiện nay có thể sánh với B-21 về mức độ hiệu quả".
B-21 trong buổi ra mắt ngày 2-12 ở Mỹ - Ảnh: REUTERS
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh những tiến bộ trong công nghệ tàng hình đều đã được áp dụng lên B-21.
"Ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất cũng sẽ phải vất vả để phát hiện B-21 trên bầu trời", ông Austin tự tin tuyên bố.
Với thiết kế hệ thống "mở", B-21 cho phép kết hợp "các loại vũ khí mới thậm chí còn chưa được phát minh", theo giới chức quốc phòng Mỹ. Ngoài vũ khí hạt nhân hoặc bom thông thường, B-21 cũng được thiết kế để phóng cả tên lửa tầm xa và tầm ngắn.
Ít nhất sáu chiếc B-21 đã được chế tạo và đang trong giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất trước khi bay thử nghiệm vào năm 2023.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa là một trong ba mũi nhọn của "chiếc đinh ba răn đe hạt nhân" trong học thuyết quân sự của Mỹ.
Hai mũi còn lại gồm các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân từ mặt đất như các xe phóng di động và trên biển như tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
TTO - Theo Reuters ngày 2-12, tuần tới ba nước Nhật Bản, Anh và Ý sẽ ra tuyên bố nhất trí việc tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến mới.
Xem thêm: mth.94302544130212202-ym-auc-hnih-gnat-ehgn-gnoc-man-05-poh-hcit-yab-yam-12-b/nv.ertiout