Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về các dự án trọng điểm ngành giao thông, diễn ra vào giữa tháng 11. Theo đó, Thủ tướng cho rằng vốn phân bổ cho ngành giao thông giai đoạn này là 470.000 tỉ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu mỗi cá nhân, tổ chức, bộ, ngành phải đổi mới cách làm, tư duy, cách tổ chức thực hiện, ứng xử có trách nhiệm với công việc, phải thực sự tâm huyết; nói đi đôi với làm, đã hứa thì phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả.
Về thủ tục hành chính, Thủ tướng chỉ đạo khi có vướng mắc thuộc các bộ, ngành thì cần chỉ rõ nội dung vướng mắc là gì, quy định tại văn bản nào, thẩm quyền của ai để có kiến nghị xử lý kịp thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư. Các cơ quan được hỏi ý kiến phải tham gia ý kiến có trách nhiệm, nêu rõ quan điểm xử lý theo đúng chức năng, trả lời đúng hạn.
Nhà thầu đang thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: V.DŨNG |
Đối với công tác đấu thầu phải hết sức trách nhiệm, phải bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực. Tuyệt đối không chia nhỏ gói thầu, thông thầu, chuyển nhượng thầu sai quy định.
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, chỉ đạo từng gói thầu bảo đảm hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 ở dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong năm 2022. Cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, Ban quản lý dự án, nhà thầu vi phạm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết, lời hứa trước Thủ tướng.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025), ông yêu cầu phải đảm bảo khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần trước 31-12-2022. Các gói thầu không được chia nhỏ, lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực để triển khai.
Lãnh đạo các Ban quản lý dự án không đáp ứng được nhiệm vụ phải "kiên quyết sắp xếp, tổ chức, điều chuyển, thay thế ngay".
Bộ KH&ĐT được Thủ tướng giao báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để bố trí vốn cho các dự án cao tốc gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồng thời hoàn thiện thủ tục giao vốn đối ứng cho dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Song song đó, bộ này cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị TP.HCM và Hà Nội.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được Thủ tướng yêu cầu quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đẩy nhanh các thủ tục, dứt khoát phải khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành cuối năm 2022. Cạnh đó, khẩn trương triển khai thi công nhà ga hành khách T3 – sân bay Tân Sơn Nhất bảo đảm hoàn thành cuối năm 2024.
Ngoài ra Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần chỉ đạo VEC khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai thi công đồng loạt các gói thầu, đưa dự án Bến Lức - Long Thành vào khai thác chậm nhất quý III năm 2025.
UBND thành phố Hà Nội và TP.HCM được giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM theo đúng các mốc tiến độ đề ra. Đặc biệt, lưu ý công tác giải phóng mặt bằng phải quyết liệt, nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án nhà ga hành khách T3 – sân bay Tân Sơn Nhất chậm nhất phải xong trong tháng 12 - 2022.