Chuỗi biến động chính trị - xã hội đương thời đang gây sức ép không nhỏ đến ngành công nghiệp kim cương. Đầu năm 2022, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới Alrosa - cung ứng 1/3 sản lượng kim cương toàn cầu - phải hứng chịu lệnh cấm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Khó khăn hiện nay của thị trường kim cương tự nhiên lại được xem như cơ hội xúc tiến tiêu thụ kim cương nhân tạo, đặc biệt đối với những thương hiệu nhạy bén trong đổi mới tư duy. Pandora (trụ sở chính tại Đan Mạch) - nhà sản xuất nữ trang uy tín nổi tiếng thế giới - tin rằng kim cương nhân tạo “đại diện cho bước tiến tự nhiên kế tiếp” nơi ngành kim hoàn chứ không đơn thuần là giải pháp thay thế tạm thời.
Bộ sưu tập Brilliance đánh dấu bước đầu tư nghiêm túc đầu tiên của Pandora vào ngành sản xuất kim cương nhân tạo - Ảnh: Pandora |
Phản ánh tầm nhìn tiến bộ của Pandora là Brilliance - bộ sưu tập trang sức sang trọng từ kim cương nhân tạo vừa ra mắt giữa tháng Tám năm nay. Alexander Lacik - Giám đốc điều hành Pandora - bày tỏ: “Chúng tôi không cho rằng nữ trang chỉ là một loại phụ kiện xa xỉ. Trang sức có thể biểu thị ý nghĩa gần gũi, quý giá với riêng mỗi chúng ta. Pandora mong muốn mang đến cho phái đẹp hiện đại - những phụ nữ đề cao lối sống tự tin và độc lập - những mẫu trang sức kim cương lôi cuốn theo phong cách cải tiến”.
Brilliance được chế tác hoàn toàn từ vàng, bạc tái chế, đính kim cương nhân tạo. Chất liệu thân thiện với môi trường, thiết kế trang nhã kèm theo mức giá phổ thông là những điểm nhấn lý thú ở bộ sưu tập. “Kim cương nhân tạo giờ đây đã đạt chuẩn tinh xảo tương đồng với kim cương tự nhiên nhưng giá thành dễ chịu hơn hẳn và ít gây sức ép khí thải lên môi trường” - Lacik nhấn mạnh.
Đề cao nền tảng đạo đức
“Người tiêu dùng trưởng thành, nhất là phụ nữ độ tuổi 18-40, dần ưu ái kim cương nhân tạo vì họ nhận ra giá trị tích cực ở chúng” - Dan Moran - một chuyên gia về kim cương và thợ kim hoàn kỳ cựu tại Mỹ - cho biết.
Chân dung 2 nhà sáng lập Kimaï - Sidney Nehaus (trái) và Jessica Warch Ảnh: Harper's BazaarAZAAR |
Thế mạnh của kim cương nhân tạo không chỉ bộc lộ qua giá thành. Hoạt động khai thác kim cương tự nhiên từ lâu đã bị chỉ trích, sau những cáo buộc bóc lột lao động vị thành niên và tình trạng mua bán bất hợp pháp ở một số mỏ kim cương. Hiện nay, khi chủ đề bảo vệ môi trường lẫn nâng cao đạo đức kinh doanh ngày càng được quan tâm, khách hàng đang có khuynh hướng chọn các thiết kế nữ trang mang thông điệp tích cực. Đề cử tiêu biểu là kim cương nhân tạo, minh bạch về nguồn gốc lẫn chất liệu sử dụng.
“Những năm qua, khái niệm trang sức cao cấp đã thay đổi không ít. Hiện thời, người tiêu dùng không chỉ chú tâm vào chất lượng mà còn cả nguồn gốc sản phẩm” - Sidney Nehaus - Giám đốc điều hành Kimaï - thương hiệu kim cương nhân tạo đang ghi dấu ở khu vực Âu - Mỹ, chia sẻ. Công ty trẻ giàu tham vọng được sáng lập bởi Nehaus và người bạn thân Jessica Warch. Cùng lớn lên tại Bỉ, 2 nữ doanh nhân đều có nhiều trải nghiệm học tập, làm việc trong thị trường kim hoàn.
“Chúng tôi cảm thấy thất vọng trước tình trạng thiếu sự minh bạch ở thị trường trang sức. Rất khó xác định rõ một viên kim cương khai thác ngoài tự nhiên đến từ đâu. Nó thường qua tay nhiều người trước khi xuất hiện ở cửa hàng bán lẻ. Vì thế, luôn có một nỗi quan ngại về tiêu chuẩn đạo đức và sự ảnh hưởng lên môi trường của việc kinh doanh kim cương” - Nehaus nói.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, Kimaï đang góp phần xây dựng dấu ấn bền vững - minh bạch cần thiết bên trong ngành kinh doanh đá quý. Thương hiệu chuyên sản xuất mặt hàng nữ trang từ vàng tái chế và kim cương nhân tạo có nguồn gốc rõ ràng. “Chúng tôi muốn cung ứng cho khách hàng những sản phẩm trang sức chất lượng cao với mức giá phổ thông cũng như thân thiện hơn với môi trường” - Warch nói.
Bước tiến chậm mà chắc
Theo số liệu từ nhà phân tích Golan, dù sức mua tiếp tục tăng, kim cương nhân tạo vẫn chiếm thị phần khá nhỏ (khoảng 7%) trong thị trường kinh doanh kim cương toàn cầu.
Mẫu nhẫn cưới cao cấp The Leo Legacy của thương hiệu Kay Jewelers (Mỹ) làm từ vàng trắng 14K, đính 3 viên kim cương nhân tạo - Ảnh: Kay Jewelers |
Tuy nhiên, một số tên tuổi lớn đã có kế hoạch thúc đẩy trào lưu tiêu dùng kim cương nhân tạo. Sau Pandora, Signet và Charles & Colvard - 2 nhãn hiệu trang sức danh tiếng ở Bắc Mỹ - đang tích cực ra mắt hàng loạt bộ sưu tập nữ trang từ kim cương nhân tạo, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách hàng.
Don O’Connell - Chủ tịch công ty Charles & Colvard - nhận định: “Khi tư duy tiêu dùng bền vững không ngừng phổ biến, việc công chúng bắt đầu ưa chuộng kim cương nhân tạo là điều không hề bất ngờ. Người tiêu dùng ngày nay muốn chắc chắn rằng sản phẩm đá quý họ chọn mua có xuất xứ minh bạch và bền vững”.
Nói cách khác, vẻ đẹp của một viên kim cương giờ đây không đơn thuần nằm ở giá trị vật chất nó đại diện mà còn phụ thuộc vào góc nhìn xã hội và môi trường. “Làm việc lâu năm trong ngành này, tôi thường được mọi người hỏi ý kiến về các phụ kiện trang sức của họ. Tôi luôn có cùng một câu trả lời: Nếu bạn yêu nó, cảm thấy hạnh phúc khi đeo nó là đủ. Một chiếc nhẫn cưới đính kim cương biểu trưng cho sự gắn kết và tình yêu bền vững. Những giá trị tinh thần này quan trọng hơn hết” - chuyên gia kim hoàn Dan Moran bày tỏ.
Như Ý
Xem thêm: lmth.3909741a-cus-gnart-ioig-eht-auc-iom-oas-iogn-oat-nahn-gnouc-mik/nv.moc.enilnounuhp.www