vĐồng tin tức tài chính 365

Khi nào TP.HCM thu hồi 'đất vàng' để xây trường học?

2022-12-05 18:49

Ngày 4.12, nguồn tin Thanh Niên cho hay lãnh đạo UBND TP.HCM giao Ban Tiếp công dân báo cáo Chủ tịch UBND để đăng ký lịch, tổ chức đối thoại với Công ty CP giáo dục G Sài Gòn; đồng thời phối hợp Sở TN-MT chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo và các tài liệu, chứng cứ liên quan. Đây là một trong những động thái mới nhất của UBND TP.HCM nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc doanh nghiệp (DN) chây ì, chiếm dụng đất công để kinh doanh, sử dụng mặt bằng trái quy định.

Thu hồi đất đúng quy định

Ngày 28.5.2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1968 thu hồi khu đất 10.936 m2 từ Công ty CP giày Sài Gòn (thời điểm đó đổi tên thành Công ty CP giáo dục G Sài Gòn) tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, mặt tiền đường Lê Hồng Phong và Vĩnh Viễn (P.2, Q.10). Căn cứ thu hồi đất dựa theo điểm d, khoản 1, điều 65 luật Đất đai. Khu “đất vàng” này được TP.HCM cho thuê đất có thời hạn, đã hết hạn thuê ngày 31.12.2020 và không được gia hạn.

Khi nào TP.HCM thu hồi 'đất vàng' để xây trường học? - ảnh 1

Khu đất 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10 (TP.HCM) hết hạn thuê đất từ cuối năm 2020 nhưng doanh nghiệp chưa bàn giao lại cho nhà nước xây dựng trường học công lập

Ngọc Dương

Không đồng ý, Công ty CP giáo dục G Sài Gòn khiếu nại. Sau đó, UBND TP.HCM giao Sở TN-MT rà soát pháp lý, quá trình sử dụng, trình tự thu hồi đất để trả lời DN. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi rà soát, Sở TN-MT đã có báo cáo, kiến nghị UBND TP.HCM công nhận và giữ nguyên nội dung quyết định thu hồi đất bởi khiếu nại của DN là không có cơ sở.

Kết quả xác minh của Sở TN-MT thể hiện tháng 2.1998, UBND TP.HCM có quyết định cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo Chỉ thị số 245 năm 1996 của Thủ tướng, trong đó có Công ty giày Sài Gòn (lúc này là DN nhà nước). Đến tháng 8.2000, Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở TN-MT) ký hợp đồng cho Công ty giày Sài Gòn thuê đất tại số 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10) để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Vào tháng 3.2007, UBND TP.HCM ban hành quyết định cho Công ty CP giày Sài Gòn (lúc này đã cổ phần hóa) được tiếp tục sử dụng 10.936 m2 tại địa chỉ trên để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách. Quyết định nêu rõ thời hạn thuê đến hết ngày 31.12.2020. Đối với 414 m2 thuộc phạm vi lộ giới tạm thời cho công ty thuê đến khi nhà nước thực hiện quy hoạch, công ty phải giữ nguyên hiện trạng và chấp hành giải tỏa theo quy định. Đến tháng 10.2007, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN, thời hạn sử dụng đất đến hết năm 2020 với mục đích sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh, hình thức sử dụng đất thuê đất trả tiền hằng năm.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất, công ty không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, tự ý cho một số tổ chức, cá nhân khác thuê lại mặt bằng, nhà xưởng làm nhà kho, bãi đậu xe… khiến người dân bức xúc. Do đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, cuối năm 2016, Sở TN-MT thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường và tài nguyên nước của công ty này và chỉ ra nhiều vi phạm. Sau đó, Thanh tra Sở TN-MT ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty CP giày Sài Gòn 720 triệu đồng.

Xây trường bằng vốn ngân sách

Từ giữa năm 2019, Thường trực UBND TP.HCM đã có chủ trương thu hồi khu “đất vàng” ngay sau khi hết thời hạn thuê đất để bàn giao cho Q.10 xây trường học. Lý do, quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn Q.10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là quỹ đất dành cho trường THCS còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu học tập cho học sinh tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Do đó, UBND TP.HCM giao UBND Q.10 làm việc và khẳng định với DN thuê đất biết rõ chủ trương của TP sẽ đầu tư xây dựng trường công (bậc THCS) đạt chuẩn quốc gia, bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở TN-MT phối hợp các đơn vị xây dựng lộ trình, kế hoạch thu hồi khu đất trên (kể cả phương án cưỡng chế khi DN không chấp hành) để UBND Q.10 triển khai đến DN chủ động tổ chức thực hiện, bàn giao và tiếp nhận quản lý khu đất theo quy định.

n

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng trường học, tháng 2.2020, UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh cục bộ khu đất 419 Lê Hồng Phong từ đất công nghiệp sạch sang đất giáo dục (trường THCS) với các chỉ tiêu tầng cao tối đa không quá 6 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60%, hệ số sử dụng đất 3,6 lần. Giữa tháng 3.2020, HĐND Q.10 đã thông qua danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án xây dựng mới trường THCS tại khu đất này. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 316 tỉ đồng, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2023.

Sau khi TP.HCM thông qua kế hoạch xây dựng trường công trên khu đất 419 Lê Hồng Phong, thì vào tháng 7.2020, Công ty CP giày Sài Gòn đổi tên thành Công ty CP giáo dục G Sài Gòn để “theo đuổi” mục tiêu tiếp tục sử dụng khu “đất vàng”. Đáng chú ý, khi định hướng sang lĩnh vực giáo dục, ngoài ngành nghề chính là giáo dục từ nhà trẻ đến trung học phổ thông, đào tạo nghề, trung cấp và cao đẳng, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, thì công ty này có đăng ký kinh doanh lĩnh vực cho thuê văn phòng, nhà xưởng…

Khi trả lời PV Thanh Niên về việc Công ty CP giáo dục G Sài Gòn kiến nghị đầu tư trường học (trường tư), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định dự án trường THCS tại khu đất 419 Lê Hồng Phong là dự án đầu tư công, xây dựng trên đất công. Nếu DN muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thì xây dựng trên khu đất do DN tự tạo lập. Ông Hoan nhấn mạnh về nguyên tắc, đất công hết thời hạn thuê đất thì DN phải giao lại cho nhà nước để nhà nước sử dụng theo đúng quy hoạch.

Không bàn giao sẽ cưỡng chế

Dù hết thời hạn thuê đất đến nay đã gần 2 năm nhưng DN vẫn chưa bàn giao khu “đất vàng” cho nhà nước để xây trường học khiến người dân càng thêm bức xúc. Đại diện khu phố 4 (P.2, Q.10) cho biết trong các cuộc họp chi bộ, tiếp xúc cử tri, vấn đề hoạt động bát nháo bên trong khu đất 419 Lê Hồng Phong đều được nêu ra và đặt câu hỏi chất vấn vì sao chưa cưỡng chế. Các kiến nghị được tập hợp lại chuyển lên phường, phường chuyển lên quận, rồi quận chuyển lên TP, nhưng không có chuyển biến gì.

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Thanh tra Sở TN-MT TP.HCM cho biết khu đất trên được nhà nước cho thuê, hết thời hạn nhưng không được gia hạn thì phải thu hồi theo luật Đất đai. Việc thu hồi đất được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định. Sau khi có quyết định của UBND TP.HCM về việc phải thu hồi đất, Trung tâm phát triển quỹ đất đã phối hợp UBND Q.10, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể địa phương vận động Công ty CP giáo dục G Sài Gòn bàn giao đất cho nhà nước, nhưng DN chưa chấp hành.

Theo quy định, sau khi vận động, thuyết phục mà tổ chức sử dụng đất (Công ty CP giáo dục G Sài Gòn) không chấp hành, thì sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, thẩm quyền thuộc về chính quyền địa phương. “Song song với việc tổ chức đối thoại, Sở TN-MT sẽ kiến nghị UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND Q.10 tổ chức cưỡng chế theo quy định. Công dân có quyền khiếu nại quyết định thu hồi đất nhưng vẫn phải chấp hành việc bàn giao đất, chuyện nào ra chuyện đó”, đại diện Thanh tra Sở TN-MT nói.

Lãnh đạo Sở TN-MT cho hay Sở ủng hộ việc thu hồi đất để xây dựng trường học công lập. Riêng việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau khi hết hạn thuê đất, cơ quan thuế sẽ truy thu, không để thất thoát ngân sách.

Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc chuyển đổi đất công

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2021. Cũng trong thời gian này, TP.HCM tổ chức 8 cuộc thanh tra đối với 28 khu đất của 8 đơn vị.

Kết quả thanh tra chỉ ra các vi phạm chủ yếu như: chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng tài sản trên đất sau đó chuyển quyền được thuê đất của nhà nước hoặc quyền phát triển dự án cho đối tác. Một số DNNN góp vốn tham gia liên doanh, liên kết hoặc lập công ty liên doanh để triển khai dự án bất động sản nhưng thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không thông qua đấu thầu. Hoạt động này biến tướng bằng các loại hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế thuê mặt bằng…, nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất.

Đáng chú ý, có DN sử dụng đất thuê của nhà nước không đúng mục đích giao, thuê; sử dụng đất đai, mặt bằng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị, không đúng phương án cổ phần hóa…

Về xử lý vi phạm, có 7 vụ việc được chuyển sang cơ quan công an để xử lý hình sự.

Xem thêm: lmth.5758251tsop-coh-gnourt-yax-ed-gnav-tad-ioh-uht-mchpt-oan-ihk/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:Dân sinh

“Khi nào TP.HCM thu hồi 'đất vàng' để xây trường học?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools