Ngân hàng Nhà nước chính thức nới thêm room tín dụng trong năm 2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định nới chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%, thay vì trước đó kiên quyết không nới room quá 14% cho cả năm 2022.
Theo dữ liệu từ Chứng khoán VNDirect, cung tiền M2 (tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, cộng với tiền gửi tiết kiệm) chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước trong ba quý đầu năm nay, thấp nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhu cầu vay đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2022, dẫn đến ngay từ cuối quý 2 năm nay tín dụng đã tăng mạnh 9,4% so với đầu năm. Ngay thời điểm đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu do Ngân hàng Nhà nước giao.
Dựa vào dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế hiện nằm mức trên 11,59 triệu tỉ đồng. Như vậy số tín dụng vừa được cộng thêm khoảng 200.000 tỉ đồng.
"Nới room tín dụng hiện tại giống như nắng hạn gặp mưa rào. Mặc dù số tín dụng vừa được nới thêm không quá nhiều, không đủ 'thỏa cơn khát', nhưng phần nào hỗ trợ được thanh khoản cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, vì nhu cầu vay vốn vào cuối năm rất cao", TS Huân cho hay.
Vì quyết định nới room tín dụng được công bố vào tháng 12, tức sắp hết năm, nên số tiền này sẽ hỗ trợ cho những hồ sơ đã được người dân làm sẵn thủ tục và chỉ chờ nới room để giải ngân. Như vậy, trong thời buổi "tiền đắt" như hiện nay, nhiều khách hàng có thể vẫn bị sức ép từ việc "bán bia kèm lạc".
Về lạm phát, việc nới room có thể làm tăng áp lực, nhưng không quá lớn.
Theo nhận định từ đội ngũ phân tích của Chứng khoán SSI, do ông Hoàng Việt Phương làm giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, trước đó Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu về việc nới hạn mức tín dụng trong năm nay, song sẽ tập trung vào những ngân hàng có năng lực tài chính đảm bảo đạt các yêu cầu theo đánh giá của cơ quan quản lý, đang được giao hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần 0 đồng hay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Bởi mặc dù dư địa để các ngân hàng cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân có được nới ra không.
Thêm vào đó, việc chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần tín dụng có thể sẽ phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Từ 1 đến 31-12, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố giảm lãi suất 20% so hiện hành để hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.