Hôm thứ Sáu (2/12), G7 và Australia đã đồng ý thông qua mức trần giá dầu của Nga ở 60 USD/thùng như một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm giảm nguồn thu của Nga.
Trần giá có hiệu lực vào ngày 5/12. Về bản chất, biện pháp quy định dầu được sản xuất ở Nga chỉ có thể được bán với sự chấp thuận bảo hiểm cần thiết ở mức 60 USD/thùng hoặc dưới 60 USD/thùng. Các công ty bảo hiểm chủ yếu có trụ sở tại các quốc gia G7.
Tuy nhiên, Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho các quốc gia tuân theo trần giá và sẵn sàng cắt giảm sản lượng để duy trì doanh thu từ dầu.
Ngoài ra, các báo cáo cho rằng, họ đã thành lập một đội gồm khoảng 100 tàu để tránh các lệnh trừng phạt dầu mỏ. “Hạm đội bóng tối” này sẽ cho phép Nga bán dầu của mình mà không cần bảo hiểm từ G7 hoặc các quốc gia khác.
Khi được hỏi liệu cơ chế trần giá có thể làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga hay không, Bộ trưởng Tài chính Ireland, Paschal Donohoe cho biết: "Có, nó có thể. Đó là thông điệp phù hợp vào đúng thời điểm”.
Một trong những câu hỏi lớn đang được đặt ra là vai trò của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc thực hiện mức trần giá này.
Hôm thứ Hai (5/12), Bộ trưởng xăng dầu Ấn Độ cho biết rằng, ông “không sợ” mức trần và ông hy vọng chính sách này sẽ có tác động hạn chế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire cho biết: “Tôi nghĩ cơ chế này đáng để thử. Sau đó, chúng tôi sẽ đánh giá hậu quả của việc thực hiện cơ chế trần giá dầu này”.
Thị trường vẫn hoài nghi
Mức trần giá sẽ được xem xét lại vào đầu năm 2023. Việc sửa đổi này sẽ được thực hiện định kỳ và mục đích là đặt giá dầu “thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường trung bình đối với dầu của Nga”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cuối tuần qua cho biết, cơ chế trần giá dầu sẽ giúp EU ổn định giá năng lượng. EU đã buộc phải giảm đột ngột sự phụ thuộc vào hydrocarbon của Nga do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, thị trường vẫn cảnh giác về tính toàn vẹn của chính sách.
Các nhà phân tích tại Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ của Nhật Bản cho biết rằng, quy mô tác động của cơ chế trần giá “vẫn còn mơ hồ. Chúng tôi đã hoài nghi về tính thực tế của sự thành công của cơ chế này”.
Ví dụ, có một rủi ro là các quốc gia mua dầu của Nga với mức trần đã thỏa thuận nhưng sau đó bán lại với giá cao hơn cho châu Âu. Điều này có nghĩa là Nga vẫn sẽ kiếm tiền từ việc bán hàng hóa trong khi châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn vào thời điểm nền kinh tế của họ đang chậm lại.
Angelina Valavina, người đứng đầu bộ phận Tài nguyên thiên nhiên và Hàng hóa EMEA tại Fitch Group cho biết: “Việc giới thiệu giá trần có thể sẽ không loại bỏ tất cả khối lượng, một số sẽ tìm đường đến thị trường”.