Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VNM
CTCK MB (MBS)
Biên lợi nhuận gộp CTCP Sữa Việt Nam (VNM – sàn HOSE) xuống mức thấp nhất trong quý III và sẽ hồi phục từ quý IV/2022: giá sữa nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục từ quý III/2020 đến quý II/2022 khiến biên lợi nhuận gộp của VNM giảm 9 quý liên tiếp từ quý IV/2020 đến nay (trễ 1 quý so với biến động giá sữa). Dự kiến lợi nhuận gộp quý IV/2022 sẽ tăng trở lại do sử dụng nguyên liệu mua giá thấp trong quý 3/2022.
Bên cạnh đó, thị trường sữa Việt Nam vẫn hấp dẫn: mặc dù có thể bị ảnh hưởng bởi giai đoạn kinh tế khó khăn trước mắt, thu nhập của người tiêu dùng bị cắt giảm nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức 12,4% trong giai đoạn 2021-2031.
Ngoài ra, VNM là doanh nghiệp đầu ngành: theo thông tin của VNM, công ty đã tăng thị phần trở lại trong quý 3/2022, củng cố vị thế đầu ngành sữa. Tình hình tài chính của VNM chắc chắn với lượng tiền mặt và tiền gửi luôn trên 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/ tổng tài sản và nợ vay/VCSH chỉ lần lượt ở mức thấp 18,5% và 28%.
Rủi ro đầu tư: Thứ nhất là giá sữa nguyên liệu tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp: do biến động tình hình thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về vận chuyển bất ngờ ảnh hưởng đến giá sữa.
Thứ hai là doanh thu giảm do nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng: người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Công ty phải giảm giá sản phẩm để giữ thị phần.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VNM với định giá cổ phiếu ở mức 91.700 đồng/cổ phần (+9,17%).
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT, giá mục tiêu 101.900 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Quý III/2022, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 11.149 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối Công nghệ tăng 24,9%, khối Viễn Thông tăng 20,1% và khối Giáo dục & Đầu tư tăng 119,1%; khiến lợi nhuận sau thuế đạt 1.756 tỷ đồng, tăng 27,7%.
Doanh thu ký mới 9 tháng năm 2022 của khối dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt 16.799 tỷ đồng, tăng 42,6%. Ngày 13/10/2022, FPT tại Nhật ký kết thỏa thuận đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., là công ty nằm trong top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật với 20 năm kinh nghiệm.
Hoạt động kinh doanh mảng chuyển đổi số có dấu hiệu chậm lại với doanh thu chuyển đổi số quý III/2022 đạt 1.810 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nửa đầu năm 2022 tăng 64,6%. Có 2 nguyên nhân chính bao gồm: (1) blockchain và thị trường các app, đặc biệt liên quan đến mảng game bị suy giảm; (2) mức nền quý III/2021 cao. FPT kì vọng doanh thu chuyển đổi số cả năm sẽ tăng trưởng khoảng 35-40% tương đương mức tăng trưởng quý IV/2022 khoảng trên 37%.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT. Giá mục tiêu là 101.900 đồng/CP, cao hơn 30,1% so với giá tại ngày 05/12/2022.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GDT
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP Gỗ Đức Thành (GDT) dù đã điều chỉnh giảm 18% giá mục tiêu. Giá mục tiêu thấp hơn là do chúng tôi giảm 16% tổng lợi nhuận sau thuế 2022-2024 và tăng chi phí vốn chủ sở hữu thêm 1 điểm %, được bù đắp một phần bằng cách cập nhật mô hình định giá từ giữa 2023 đến cuối 2023.
Nhu cầu yếu từ các nền kinh tế phát triển và nỗ lực giảm hàng tồn kho từ khách hàng khiến chúng tôi điều chỉnh giảm doanh thu 2022 và tổng doanh thu 2023-2024 lần lượt là 22% và 10%. Chúng tôi kỳ vọng việc tiêu bớt tồn kho và tỷ giá thuận lợi hơn sẽ thúc đẩy sự phục hồi của GDT và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào năm 2023.
Triển vọng trung hạn của GDT dựa trên (1) chi phí lao động thấp của Việt Nam tận dụng được xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, (2) mảng kinh doanh sản phẩm gỗ nhỏ của GDT có mức độ cạnh tranh thấp, có tính chất như một thị trường ngách, và (3) tuân thủ ESG thúc đẩy việc thu hút khách hàng - đặc biệt là ở các thị trường thứ cấp như Mỹ và EU.