Tàu bè tại cảng Nakhodka, nơi chủ yếu xuất khẩu dầu mỏ ở Nga - Ảnh: Reuters
Trong động thái can thiệp mạnh nhất trước nay vào thị trường dầu mỏ thế giới, Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 5-12 bắt đầu cấm nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga và cùng với Mỹ, Anh và một số đồng minh áp giá trần lên dầu mỏ của Matxcơva.
Mức giá này, như Nhà Trắng cho biết, có thể còn được điều chỉnh giảm sâu hơn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tác động của giá trần sẽ còn phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Nga, phương Tây và các nước mới nổi đang mua dầu của Nga.
Giá dầu sẽ về đâu?
Mỹ và các đồng minh cho biết đã chọn mức giá trần 60 USD để một mặt "bóp" nguồn thu của Nga nhưng mặt khác vẫn để dầu Nga, một nguồn cung quan trọng của thế giới, được tiếp tục bán ra thị trường.
Quyết định này được đưa ra sau gần nửa năm cân nhắc, trong lúc cơn bão lạm phát hoành hành khắp toàn cầu. Theo một số nhà phân tích, giá trần có thể làm giảm sản lượng dầu của Nga từ 1 - 1,5 triệu thùng/ngày trên tổng sản lượng của nước này trong tháng 10-2022 là 9,9 triệu thùng/ngày.
Nhưng trong ngắn hạn sẽ không có nhiều thay đổi. Đến nay có nhiều ý kiến cho rằng mức giá trần đó sẽ không hiệu quả vì nó không khác biệt mấy so với mức giá Nga đang bán. Nó thấp hơn nhiều so với dầu Brent và cao hơn chi phí sản xuất của Matxcơva mà tờ Economist ước tính vào khoảng 20 - 40 USD/thùng.
Đó là chưa kể nhiều vấn đề liên quan đã được mổ xẻ, chẳng hạn một số cơ sở sản xuất của Nga như Sakhalin-2 được miễn áp giá trần, hay Nga có thể chuyển dầu thô thành các sản phẩm tinh chế hoặc tinh chế một phần.
Trong phát biểu ngày 5-12, người phát ngôn Karine Jean-Pierre của Nhà Trắng nói giá dầu có thể còn tiếp tục được điều chỉnh để chặn nguồn thu của Nga. Nhưng giới quan sát tỏ ra hoài nghi về việc này, khi chỉ riêng chuyện thống nhất mức giá trần vừa qua đã mất gần sáu tháng.
Bất chấp động thái của phương Tây, giá dầu đã tăng trong phiên giao dịch ngày 6-12, trong đó dầu Brent lên 83,5 USD/thùng và dầu West Texas Intermediate lên 77,6 USD/thùng.
Nguyên nhân là vì Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 4-12 đã quyết định vẫn duy trì mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày từ cuối tháng 10 và Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp chống dịch. Cuối tuần trước, giá dầu đã giảm mạnh khi các nước nhất trí được giá trần.
Giới phân tích và các tổ chức như OPEC vẫn đang chờ thêm để đánh giá xu hướng của giá dầu trong thời gian tới. Ngay cả OPEC cũng không thể đoán định được điều này khi xem xét tác động của giá trần đối với dầu Nga và ảnh hưởng từ các yếu tố khác như nhu cầu tại Trung Quốc - một nhân tố đã có ảnh hưởng rất lớn đến giá dầu thế giới trong năm 2022.
Ngày 6-12, Hãng tin Interfax dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố nước này sẽ bắt đầu cấm bán dầu cho các nước áp dụng giá trần của phương Tây ngay trong cuối năm nay.
Dồn chú ý vào châu Á
Bà Helima Croft, lãnh đạo bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của tổ chức RBC Capital Markets, cảnh báo giá dầu có thể còn biến động nhiều hơn trong những tuần tới khi Nga thực hiện lời đe dọa ngừng bán dầu cho các nước tham gia trừng phạt.
Giới phân tích cho rằng tương lai của dầu Nga sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của các khách hàng lớn tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tháng 11-2022, Trung Quốc đã nhập 1,05 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga qua đường biển và 850.000 thùng mỗi ngày qua đường ống.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng mua khoảng 1 triệu thùng/ngày từ Nga và dự kiến sẽ mua tương đương hoặc nhiều hơn trong tháng 12. "Chúng ta sẽ thấy nhu cầu tăng rất mạnh khi Trung Quốc mở cửa lại, dự kiến từ tháng 4-2023 trở đi", Hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của chuyên gia về dầu mỏ Amrita Sen.
Nhưng nếu "nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, điều đó có thể khiến giá dầu Nga giảm sâu hơn" - ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa của tổ chức tài chính UBS ở Zurich, nhận định trên tờ Nikkei.
Theo báo Financial Times, việc áp giá trần của phương Tây có thể nhận được sự "trợ lực" gián tiếp từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các khách hàng chính của dầu Nga hiện nay vì những nước này có thể lợi dụng mức giá trần đó để đòi Matxcơva giảm giá hơn nữa. Và đó chính là điều phương Tây mong muốn.
60 hay 110 USD/thùng?
Báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Srijan Katyal của Công ty môi giới ADSS cho rằng lạm phát tăng và suy thoái toàn cầu có thể đẩy giá dầu xuống thấp hơn 60 USD.
Tuy nhiên, tổ chức Goldman Sach lại dự báo dầu có thể tăng giá đến 110 USD/thùng trong năm 2023 do nhu cầu hồi phục ở Trung Quốc, còn JP Morgan cho rằng giá dầu sẽ quanh mốc 90 USD khi sản xuất của Nga phục hồi vào giữa năm sau.
TTO - Điện Kremlin khẳng định sẽ không chấp nhận mức trần giá dầu mà nhóm G7 và Úc áp lên dầu Nga, đồng thời nhấn mạnh đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả.
Xem thêm: mth.20661233260212202-naod-ohk-man-tom-court-uad-aig/nv.ertiout