Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong 11 tháng qua, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đạt được một số kết quả nhất định rất đáng mừng.
Bên cạnh đó, tình hình còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt, áp lực lạm phát trên toàn cầu, chính sách chống lạm phát của các nước tác động tới toàn cầu, trong đó có Việt Nam, trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài cũng tác động lớn tới bên trong. Giá nguyên vật liệu xăng dầu tiếp tục không ổn định, biến động. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế của các nước chậm lại, nhiều nước có tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu đạt các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 ở mức cao nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong nước, chúng ta phải khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19 sau hơn 2 năm gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bào mòn; đồng thời phải đối phó với các cú sốc lớn từ bên ngoài, hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Chúng ta cũng tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng, có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan. Các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm.
Từ tháng 10 tới nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 10, tháng 11; Thường trực Chính phủ đã ban hành 3 thông báo kết luận; Thủ tướng Chính phủ có 4 công thư gửi lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Chính phủ đã có 1 quyết định, 1 chỉ thị, 5 công điện, 12 thông báo kết luận, 33 văn bản chỉ đạo, điều hành…; các bộ, ngành cũng vào cuộc để tập trung xử lý, ổn định tình hình. Điều này cho thấy việc chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm bắt tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp.
Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.
Thủ tướng đã có 3 cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiến hành tổng kết ngoại giao vaccine để tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế theo Chỉ thị của Ban Bí thư.
Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai chính sách tài khóa, nghiên cứu, đề xuất, triển khai hoãn, miễn, giảm thuế, lệ phí cho phù hợp. Đồng thời, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tích cực, có hiệu quả. Khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đưa thị trường xăng dầu trở lại bình thường, theo quy luật thị trường.
Các biện pháp nói trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và bội thu; xuất đủ nhập và xuất siêu; làm đủ ăn và có xuất khẩu nông sản; đủ năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng; thị trường lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Cuộc họp Thường trực Chính phủ nhằm tiếp tục đánh giá những việc đã làm, những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đánh giá, dự báo tình hình. Tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, suy nghĩ kỹ lưỡng, đưa ra đối sách, giải pháp phù hợp, chắc chắn, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu đạt các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 ở mức cao nhất. Chỉ còn gần 1 tháng là kết thúc năm 2022, chúng ta cần "chạy nước rút về đích" bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt được các mục tiêu nhưng mang tính bền vững; đồng thời chuẩn bị cho năm 2023 đã được xác định là có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, chỉ đạo, điều hành cần bản lĩnh hơn, hiệu quả hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý các vấn đề đặt ra.
PV (nguồn: VGP)
Xem thêm: 216945VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www