vĐồng tin tức tài chính 365

Những áp lực và thách thức từ vụ án Alibaba

2022-12-09 09:04

Ngày 8-12, sau hơn ba năm kể từ ngày Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) bị khởi tố, bắt tạm giam, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm và TAND TP đã lên kế hoạch chuẩn bị xét xử rất công phu, tỉ mỉ.

Hồ sơ vụ án thể hiện Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo thành lập 22 công ty, tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận, rồi vẽ ra 58 dự án “ma”. Cơ quan tố tụng xác định có hơn 4.000 bị hại dính bẫy của Alibaba và bị chiếm đoạt hơn 2.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với hàng ngàn gia đình có khả năng lâm vào cảnh nợ nần, tan giấc mơ mua được ngôi nhà, mảnh đất phù hợp từ những đồng tiền chắt chiu hoặc vay mượn. Kéo theo đó là sự mai một niềm tin của một bộ phận người dân về sự lành mạnh của thị trường bất động sản.

Không chỉ vậy, hành vi của Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tạo thông tin sai lệch về kế hoạch, hiệu quả sử dụng đất của các địa phương, gây “đau đầu” cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Những áp lực và thách thức từ vụ án Alibaba ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) cùng các đồng phạm trong phiên xử ngày 8-12. Ảnh: NGUYỆT NHI

Với số lượng bị hại “khủng”, cư trú ở nhiều tỉnh, thành, áp lực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ rất lớn; từ khâu lấy lời khai của các bị hại ở giai đoạn điều tra đến huy động nhân lực, vật lực tổ chức xét xử… Thực tế, TAND TP.HCM đã phải chuẩn bị ba nhà bạt, một màn hình LED rộng hơn 28 m2 với sức chứa khoảng 2.000 người; sân tòa bố trí ghế ngồi và quạt gió, xung quanh là các nhà vệ sinh di động. Công tác an ninh, y tế khi phiên tòa diễn ra cũng cần không ít người.

Đặc biệt, với hồ sơ có tới 1 triệu bút lục phải chở bằng hai xe tải (được đựng trong 140 rương), tình tiết vụ án liên quan đến hàng ngàn giao dịch, trong một thời gian khá dài…, vụ án này thực sự là một áp lực đối với đại diện VKS và HĐXX. Bởi họ không chỉ cần đảm bảo sức khỏe để ngồi ghế công tố và xét xử trong phiên tòa kéo dài cả tháng mà quan trọng hơn, họ còn phải tập trung tâm trí cao độ để cho ra phán quyết đúng luật, đúng người, đúng tội, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 4.000 bị hại và người liên quan.

Đó là chưa nói, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án phần dân sự đầy đủ, đúng thời hạn với hàng ngàn bị hại - người được thi hành án cũng là áp lực không nhỏ đối với cơ quan thi hành án...

Có thể nói, để phá án và đưa các bị cáo ra xét xử như hôm nay là cả một quá trình cam go, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng có tinh thần trách nhiệm rất cao. Nỗ lực này của cơ quan bảo vệ pháp luật còn góp phần làm lành mạnh thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Xét xử vụ Alibaba là điều tốt nhưng nếu không xảy ra vụ án Alibaba nào sẽ là điều tốt hơn. Đó cũng chính là áp lực và thách thức lớn nhất đối với các cơ quan quản lý nhà nước, là động lực thúc đẩy để chúng ta sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản… một cách khoa học, chặt chẽ. Khi đó, những sai phạm tương tự Alibaba sẽ được phát hiện và ngăn chặn từ “trứng nước”.

QUỲNH LINH

Xem thêm: lmth.714117tsop-ababila-na-uv-ut-cuht-hcaht-av-cul-pa-gnuhn/nv.olp

“Những áp lực và thách thức từ vụ án Alibaba”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools