Các nước đang phát triển đang vận động hành lang để được tiếp cận công bằng hơn với các phương pháp điều trị so với những gì họ có được trong thời kỳ đại dịch COVID-19, trong bối cảnh các cuộc đàm phán soạn thảo quy tắc y tế mới đối phó đại dịch trong tương lai vừa được khởi động, theo hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, các nước này lo ngại rằng họ sẽ khó đạt được một kết quả khả quan khi các nước phát triển không mấy mặn mà về vấn đề này.
Kết thúc 3 ngày đàm phán đầu tiên hôm 7-12, Nam Phi, Pakistan và Ấn Độ là các quốc gia đưa ra yêu cầu giúp các nước đang phát triển được tiếp cận với điều kiện chống dịch công bằng hơn.
Đại sứ của một nước đang phát triển cho biết thách thức này là "rất khó khăn". Ông nói: “Các nước tiên tiến có các nguồn lực cần thiết và có thể đủ khả năng để giải quyết vấn đề, còn chúng tôi thì không”.
Người dân Kenya xếp hàng để được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: REUTERS |
Ngày 7-12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia đã đồng ý giao cho một cơ quan làm lại bản dự thảo đàm phán để có thể bắt đầu thảo luận lại vấn đề này vào tháng 2 năm sau.
WHO đặt ra mục tiêu đạt được thỏa thuận vào tháng 5-2024. Một nhà ngoại giao ước tính chỉ riêng các cuộc đàm phán sẽ mất tới 400 giờ.
Khả năng tiếp cận với vaccine và thuốc, sự minh bạch trong các giao dịch của chính phủ với các công ty dược phẩm được coi là trọng tâm của các cuộc đàm phán.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi cuộc thảo luận trên là cơ hội để làm thế giới an toàn hơn cho các thế hệ mai sau. Ông cũng cho rằng thực tế phân phối vaccine trong giai đoạn COVID-19 là "phân biệt chủng tộc vaccine".
Trợ lý tổng giám đốc WHO Jaouad Mahjour cho biết cơ quan này đã nghe thấy những lo ngại của các phái đoàn nhỏ "một cách rất rõ ràng" và sẽ xem xét chúng.
Song song với các cuộc đàm nói trên, các quốc gia cũng đang thảo luận về việc thành lập quỹ đại dịch G20 và sửa đổi các quy tắc khẩn cấp về sức khỏe hiện có của WHO. Đại diện của Mỹ trong cuộc thảo luận này cho biết "rất nhiều" điều sẽ cần phải thay đổi trước khi Washington có thể ký kết.
Trong khi đó, "các chính phủ nhỏ sẽ không thể tham gia vào này quy trình thảo luận này vì họ sẽ hoàn toàn bị đánh bại" - Clare Wenham, giáo sư về chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cho biết.