Trên kênh truyền hình Rossiya 24 hôm 9/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quyết định về phản ứng của Moskva trước trần giá mà G7 áp lên dầu thô nước này sẽ được công bố trong vòng vài ngày tới. "Tôi không nói rằng đây chính là quyết định, nhưng nếu cần thiết, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc giảm sản xuất", ông nói, "Tôi đã nói rằng sẽ không bán hàng cho những nước tham gia áp trần".
Sau nhiều tháng lên kế hoạch và đàm phán, vòng trừng phạt lớn nhất của phương Tây áp lên dầu Nga đã có hiệu lực ngày 5/12. Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu gần như toàn bộ dầu Nga bằng đường biển. G7 cũng thống nhất việc người mua muốn tiếp cận các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, vận chuyển mà phương Tây cung cấp sẽ phải mua dầu Nga với giá thấp hơn 60 USD một thùng.
Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động của các biện pháp này lên thị trường dầu toàn cầu, trong đó có thị trường bảo hiểm ngoài châu Âu, sự sẵn sàng của các chủ tàu trong việc kinh doanh dầu Nga và mức độ hiệu quả của trần giá.
"Bất kỳ biện pháp nào Nga đưa ra cũng không phải là lựa chọn tốt", Ben Harris – trợ lý chính sách kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ tuần này cho biết, "Sự gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến các đối tác của họ, mà còn tác động đến túi tiền của họ nữa".
Đến nay, Nga vẫn khẳng định tác động của trần giá đến sản xuất dầu của họ sẽ rất hạn chế. Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin đầu tuần này tuyên bố biến động trong sản lượng của họ "sẽ không thể lớn hơn biến động hồi mùa xuân".
Hồi tháng 4 – hai tháng sau khi diễn ra xung đột tại Ukraine, Nga sản xuất trung bình 10,05 triệu thùng một ngày, giảm từ 11,08 triệu thùng hồi tháng 2, theo dữ liệu Bloomberg có được. Sản lượng sau đó bắt đầu hồi phục, lên đỉnh 8 tháng hồi tháng 11.
Ông Putin khẳng định trần giá sẽ không có tác động tiêu cực lên nguồn thu của Nga, do trần giá 60 USD của phương Tây "tương đương giá dầu Nga bán hiện tại". "Chúng tôi đã bán dầu ở mức đó rồi, nên vấn đề ngân sách không đáng lo", ông nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)