Dịp cuối tuần, ông Đinh Xuân Dũng (57 tuổi, ngụ thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đưa gia đình lên TP Buôn Ma Thuột để “xả căng thẳng” sau một tuần làm việc. Ông Dũng cho biết các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cô con gái mong muốn đến đường sách (gần ngã Sáu, trung tâm TP Buôn Ma Thuột) để vui chơi.
Đường sách ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
“Đường sách nổi tiếng cho giới trẻ nên chúng tôi chọn nơi này để gia đình cùng vui chơi cuối tuần. Hơn hết là để cô con gái út có giây phút chụp ảnh để khoe cùng bạn bè về con đường đặc biệt này” – ông Dũng cho hay.
Những quán cà phê ở đường sách mang bản sắc của người dân bản địa. Ảnh: VŨ LONG |
Chủ quán cà phê trong đường sách chia sẻ khách thường đến đông vào buổi tối và buổi sáng. “Vừa qua, dịch COVID-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh buôn bán. Hiện nay khách nhiều nơi đến Buôn Ma Thuột đều chọn đường sách là điểm đến. Đặc biệt, giới trẻ đến đây khá đông để “Check-in”, sau đó đăng ảnh khu vực đường sách lên mạng xã hội” – vị chủ quán này cho hay.
Con đường ở TP Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến lý tưởng của người dân. Ảnh: VŨ LONG |
Trước đây, dù nằm ở khu vực trung tâm TP, nhưng con đường này vắng bóng người qua lại. Chính vì vậy mà nhiều người nói rằng nơi này trở thành điểm tệ nạn nhức nhối dư luận.
Không gian vui chơi của trẻ em. Ảnh: VŨ LONG |
Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được khởi công từ tháng 12-2018 với chiều dài gần 100 m tại hẻm số 2 đường Phan Chu Trinh nối ra đường. Đường này có tới 23 gian hàng sách, cà phê, quà lưu niệm, nước uống, thức ăn nhanh... với thiết kế hiện đại, ấn tượng, mang đặc trưng văn hóa địa phương.
Nhiều địa danh ở Đắk Lắk được ghi tại một quán cà phê. Ảnh: VŨ LONG |
Đây là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu tác giả - tác phẩm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, giới thiệu các sản phẩm cà phê, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, các chương trình phục vụ cho văn hóa đọc, sinh hoạt nghề nghiệp...
Đường bích họa ở đường Phan Đình Giót. Ảnh: VŨ LONG |
Cách đường sách không xa, chính quyền địa phương vừa hoàn thành những bức bích họa kéo dài tại đường Phan Đình Giót. Theo quan sát của chúng tôi, những họa sĩ đã thổi hồn đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số vào những bức tranh ở con đường này. Những bức họa nằm kề bên hai hàng cây xanh cổ thụ tuyệt đẹp.
Bức tranh khổng lồ bên hàng cây cổ thụ. Ảnh: VŨ LONG |
Đường Phan Đình Giót từng là con đường nhỏ, nơi buôn bán chợ đồ sắt. Sau khi giải tỏa chợ, khu vực này trở thành "con đường du lịch", thu hút người dân tới tham quan, chụp ảnh.
Đường Phan Đình Giót được khoác lên mình "tấm áo mới. Ảnh: VŨ LONG |
Công trình bích họa dài khoảng 200m được tái hiện những hình ảnh dựa trên trích đoạn của hai tác phẩm “Trường ca Đam San” và “Buôn Ma Thuột xưa” được chuyển thể từ bộ phim hoạt hình của trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và tư liệu của Bảo tàng Đắk Lắk.
Hàng cây cổ thụ ở đường Phan Đình Giót. Ảnh: VŨ LONG |
Nhà sáng tạo bức tranh bích họa khổng lồ này chia sẻ, họ muốn truyền tải về một câu chuyện về chàng tù trưởng dũng mãnh Đam San, về những người con gái xinh đẹp như H'Nhí, H'Bhí, nữ thần mặt trời quyền năng, xinh đẹp, giàu có.
Trao đổi với PLO, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết TP đang từng bước thực hiện chỉnh trang đô thị.
“Chúng tôi đang thực hiện làm mới để chỉnh trang các tuyến phố nhằm tạo điểm nhấn cho TP khi mỗi người dân đến Buôn Ma Thuột có nơi vui chơi, du lịch. Trên những con đường đang làm lại, trong đó có đường Phan Đình Giót, TP sẽ trồng thêm nhiều cây mang đặc trưng của người Tây Nguyên như cây kơ nia, bằng lăng... ở các công viên, hai bên đường. Từ đó, mỗi người dân khi đến đây đều có cảm giác đang đứng giữa khu rừng thu nhỏ trong lòng TP” – ông Hưng cho hay.