Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, 305, 306, 307 và 308 BLHS về các tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2022.
Công an tỉnh Bình Thuận điều tra thu giữ vũ khí tại nhà một nghi phạm. Ảnh: PN |
Đáng chú ý, tại Điều 3 Nghị quyết đã hướng dẫn cụ thể về 9 tình tiết là dấu hiệu định tội của các tội phạm này. Cụ thể:
- Chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 1 Điều 304 BLHS) là làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận chi tiết của vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng được coi là chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp cơ sở sản xuất của lực lượng vũ trang và những cơ sở khác có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (theo danh mục) nhưng lại sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự loại khác (ngoài danh mục). Hoặc chế tạo nhiều hơn số lượng cho phép, trừ trường hợp nghiên cứu cải tiến sản xuất vũ khí mới theo đề tài khoa học đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 1 Điều 304 BLHS) là cất giữ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.
Cũng được coi là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có từ bất kỳ nguồn nào (ví dụ: cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, đào được, nhặt được) mà không khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 1 Điều 304 BLHS) là hành vi chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc hành vi khác chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà không có mệnh lệnh của người có thẩm quyền hoặc giấy phép vận chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt) nhưng không nhằm mục đích mua bán.
- Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 1 Điều 304 BLHS) là sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phát huy tác dụng của vũ khí, phương tiện đó. Ví dụ: Hành vi sử dụng súng quân dụng là lên đạn, bóp cò; hành vi sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xùy.
- Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 1 Điều 304 BLHS) là hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 1 Điều 304 của BLHS) bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hoặc các hành vi chiếm đoạt khác
Cũng được coi là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi quân nhân, nhân viên, công nhân quốc phòng và những người khác được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác đến khi xuất ngũ, phục viên, nghỉ việc về hưu hoặc chuyển sang công tác khác không còn được phép sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng đã cố ý không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.
- Chế tạo trái phép vật liệu nổ (khoản 1 Điều 305 BLHS) là hành vi làm ra, chế biến, pha chế tạo ra vật liệu nổ mà không được sự cho phép của cơ quan, người có thẩm quyền.
Cũng được coi là chế tạo trái phép vật liệu nổ đối với những cơ sở, doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng lại chế tạo vật liệu nổ khác nằm ngoài danh mục hoặc chế tạo nhiều hơn số lượng cho phép. Trừ một số trường hợp đặc biệt được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
- Các hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (khoản 1 Điều 305) và tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (khoản 1 Điều 306 BLHS) được áp dụng theo hướng dẫn tại các khoản trên.
- Vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (khoản 1 Điều 307 BLHS) là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.