Trong cuộc họp báo chung hôm 12/12, Giám đốc IEA Fatih Birol và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra cảnh báo về khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Báo cáo mới nhất của IEA chỉ ra châu Âu có thể thiếu 27 tỷ m3 khí đốt tự nhiên năm 2023. Con số này tương đương 7% tiêu thụ của khối này hàng năm.
Cụ thể, trong bản đánh giá, IEA nhận thấy năm tới, nguồn cung cho châu Âu có thể thiếu hụt 57 tỷ m3. Khoảng 30 tỷ m3 có thể được bù đắp bằng các động thái hiện tại, gồm tăng cường tích trữ và tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt 15% giai đoạn tháng 8/2022 - tháng 3/2023. Tuy nhiên, việc này vẫn là chưa đủ.
Có 3 rủi ro có thể dẫn đến thiếu hụt. Nga - nước bán 60 tỷ m3 khí đốt cho EU năm nay - có thể dừng hoàn toàn việc bán hàng năm sau. Nhiệt độ ôn hòa đầu mùa đông có thể không kéo dài. Trên thực tế, thời tiết lạnh giá đang gây khó khăn cho Nam Âu. Thị trường khí tự nhiên có thể xáo trộn nếu kinh tế Trung Quốc tăng tốc trở lại sau khi các lệnh phong tỏa chống dịch bị gỡ bỏ.
"Chúng ta có thể gặp vấn đề", Birol cho biết.
Đánh giá của IEA đặt giả thiết các đường ống khí đốt mà Nga đang cấp cho EU sẽ dừng hoàn toàn đầu năm 2023, nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc quay về mức năm 2021 và các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu chỉ còn 30% cuối mùa đông này.
Dù vậy, IEA cho rằng phần thiếu hụt vẫn có thể giảm bớt nếu châu Âu tích cực cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, tăng phổ cập năng lượng tái tạo, dùng máy sấy bơm nhiệt và khuyến khích thay đổi hành vi tiêu dùng. Các chính sách cơ quan này đề xuất có thể khiến châu Âu tiêu tốn 100 tỷ euro (106 tỷ USD).
Hà Thu (theo CNN)