Nguyên nhân giá rau xanh tăng cao do thời tiết rét đậm, khiến thời gian sinh trưởng của rau ăn lá cũng kéo dài thêm 15 - 20 ngày/lứa. Bên cạnh đó, ở những vùng trồng rau lớn của thành phố Hà Nội, người nông dân xuống giống bị hỏng hoặc bị sâu bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Qua khảo sát, một số chợ truyền thống chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa, Mùng 8/3, Kim Liên (quận Hai Bà Trưng), Thành Công (Ba Đình), Hàng Bè (Hoàn Kiếm), Dốc Đề (Hoàng Mai), Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)... giá rau xanh tăng mạnh so với tuần trước.
Cụ thể, rau muống từ 6.000 - 8.000 đồng/bó, nay 12.000 - 15.000 đồng/bó; cải ngọt, cải ngồng, cải chíp 15.000 - 17.000 đồng/kg, tăng lên 22.000 - 27.000 đồng/kg; mướp từ 15.000 đồng/kg tăng lên 20.000 đồng/kg; dưa chuột từ 17.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; hành lá từ 25.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; rau gia vị từ 3.000 đồng/mớ lên 5.000 - 7.000 đồng/mớ.
Tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), giá rau xanh cũng tăng đột biến. Mức độ tăng xếp theo thứ tự từ rau gia vị, rau xanh, củ, quả... Chị Nguyễn Thu Hằng, ở phố Võ Thị Sáu chia sẻ, rau xanh tại các siêu thị gần nhà, lượng rất ít, người mua đông, nếu không đi sớm, hiếm khi mua được rau như ý, chị phải mua thêm rau tại chợ dân sinh. Hôm nay (13/12), khi mua 2 mớ rau thơm, 1 cây xà lách tại chợ dân sinh để về cả nhà ăn bún chả, thanh toán hết 32.000 đồng, trong khi chỗ rau này mọi khi chắc chỉ 12.000 đồng...
Bác Nguyễn Thị Nghĩa, chủ cửa hàng rau xanh tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, chỉ có bí xanh, bí đỏ, bầu, khoai lang, ngô ngọt, khoai tây là giá nhích 1.000 - 3.000 đồng/kg, còn rau xanh hiện nay quá đắt. Mua 8, về bán 10, chủ yếu là phục vụ khách quen chứ rau xanh, thời tiết mưa rét, sương muối thế này dễ hỏng nát, hư hao nên bán lẻ rất khó. Trong vài ngày tới, có thể giá rau xanh tiếp tục tăng do nhiều loại rau không chịu được rét, trời lạnh quá làm cho rau không phát triển được cũng là nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng mạnh trong những ngày này.
Tại vựa rau Tráng Việt, huyện Mê Linh, chị Nguyễn Thị Na, chủ vườn rau cải ngọt cho biết, rau xanh đợt này mỗi ngày một giá, đến thời điểm này, gia đình chị bán ngay tại đầu bờ cho thương lái, đóng bao 10 kg/bao mà đã có giá 18.000 đồng/kg, trong khi một tháng trước đó, giá chỉ từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, đồng nghĩa giá đã tăng 3 lần. Với mức giá như vậy, vụ thu đông năm nay, nông dân trồng rau thu hoạch 15 triệu đồng/sào.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) cho biết, mô hình sản xuất rau, củ, quả tại HTX DV tổng hợp Đông Cao xã Tráng Việt với quy mô khoảng 200 ha cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, hợp tác xã có hơn 600 hộ sản xuất nông nghiệp và chuyên canh cây củ cải trắng và các loại rau màu khác. Hằng năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại, sản lượng 40.000 tấn rau xanh mỗi năm. Vụ đông xuân năm năm nay, hợp tác xã gieo trồng hơn 300 ha rau xanh các loại, nhiều hơn vụ hè tới hơn 100ha; trong đó, chủ lực là củ cải trắng và rau ăn lá, như cải ngọt, cải dưa...
Tại Văn Đức và Đặng Xá, hai xã trồng rau trọng điểm của huyện Gia Lâm, tổng diện tích chuyên canh rau của các địa phương này đạt gần 400 ha. Do thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh phát sinh gây hại, nhiều gia đình sống bằng nghề trồng rau thất thu.
Bà Phạm Thị Dung, ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm cho biết, gia đình bà có trồng 2 mẫu (0,72 ha) bắp cải, thời gian trồng và thu hoạch từ tháng 7 đến đầu tháng 12. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết khắc nghiệt khiến rau bị sâu bệnh nhiều, gia đình bà đã dùng nhiều loại thuốc sinh học nhưng không hiệu quả, đành bất lực ngồi nhìn ruộng rau chết dần từng ngày.
Đồng cảnh ngộ, ruộng rau của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm cũng bị sâu bệnh bọ phấn trắng gây hại cho 3 sào bắp cải. Vụ rau này, gia đình anh cũng bị lỗ vốn ngót 9 triệu đồng.
Theo anh Dũng, do thời tiết năm nay khắc nghiệt, ít mưa nên sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều, cây rau lớn chậm, kéo dài thời gian sinh trưởng, phải tăng chăm bón, rau bị thất thu. Cùng với đó, giá vật tư sản xuất và công lao động đều tăng thêm 50 - 70% so với năm trước, dẫn đến đội giá thành sản phẩm.
Theo dự báo của chuyên gia nông nghiệp, từ nay tới Tết Nguyên đán 2023, rau xanh còn khan hiếm và giá cao. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt, ít mưa, trời rét đậm khiến sâu bệnh phát triển. Trong khi đó, thời tiết rét đậm cũng làm rau chậm phát triển dù nông dân vẫn nỗ lực chăm sóc vụ rau thứ hai (trồng vào cuối tháng 11) nhưng phải đến giữa tháng 2 năm sau cho thu hoạch.
VTV.vn - 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam vượt ngưỡng 3,1 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.88762835131212202-mad-ter-od-hnam-gnat-ion-ah-o-hnax-uar-aig/et-hnik/nv.vtv