LTS: Bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội tồn tại như một vấn nạn xã hội và luôn là một “cái kim trong bọc” gây nhức nhối trong dư luận, làm “đau đầu” các cấp chính quyền, thậm chí cả Chính phủ và các bộ, ngành.
Mặc dù nhiều lần Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn này nhưng kết quả đạt được vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với chính mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Phải chăng một “Hà Nội không vội được đâu” vẫn ứng nghiệm trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng ở Thủ đô? Điều gì đã kiến cho mọi quyết tâm đều như “cóc bỏ đĩa”, để rồi lại những “con voi chui lọt lỗ kim”?
Người Đưa Tin thực hiện loạt bài phản ánh một số vấn đề còn nhức nhối trong lĩnh vực trật tự xây dựng của Hà Nội.
“Những con voi chui lọt lỗ kim”
Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, trong giai đoạn 2018 - 2021, trên địa bàn Tp. Hà Nội xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó có 21 vụ cháy lớn, 19 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến 38 người chết, 82 người bị thương, tổng thiệt hại khoảng 272 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy liên quan đến nhà kho, xưởng sản xuất chiếm tỷ lệ 10,88% với 145 vụ.
Những con số biết nói đã cho thấy những nguy cơ cháy nổ tại các nhà xưởng đã không còn chỉ là cảnh báo. Đó liệu đây có phải bài học cảnh tỉnh cho chính quyền các địa phương nói chung và Tp. Hà Nội nói riêng về việc hãy đặt sự an toàn, tính mạng của con người lên trên những nguồn thu? Tuy nhiên thực tế ghi nhận của Người Đưa Tin tại một số quận, huyện trên địa bàn Tp. Hà Nội, hiện trạng về những “mái nhà tôn lụp sụp” xây dựng trái phép vẫn diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”.
Tháng 11/2022, sau hàng loạt vụ cháy liên quan đến xây dựng trái phép, những chỉ đạo của chính quyền các cấp, Người Đưa Tin bắt đầu chuỗi ghi nhận thực tế từ những lộn xộn dọc 2 bên đường Nguyễn Xiển (thuộc địa phận quản lý giáp ranh giữa huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai) như một ví dụ điển hình.
Trục đường Nguyễn Xiển thuộc một phần của đường Vành đai 3 Hà Nội. Trục đường này kết nối với 3 cửa ngõ vào Hà Nội đó là Pháp Vân – Cầu Giẽ, Đại lộ Thăng Long và cầu Thăng Long – Nội Bài. Chính vì vậy, lượng xe cộ, phương tiện lưu thông qua trục này rất lớn, thường xuyên tắc đường vào giờ cao điểm.
Dọc tuyến đường thuộc địa phận các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai có các ô đất có diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn m2 hiện đang bỏ không, đất dự án chưa có hoạt động đầu tư, xây dựng.
Tại đây, nhiều ô đất được xẻ ra để sử dụng vào các mục đích khác nhau. Bằng mắt thường cũng có thể thấy các hoạt động kinh doanh, buôn bán, cho thuê đất làm nhà xưởng, kho chứa hàng, cửa hàng mua bán, sửa chữa ôtô, đá ốp lát, cây cảnh… lấn chiếm đất, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra hàng giờ.
Không những thế, đi sâu vào ngõ 280 đường Nguyễn Xiển (thuộc địa phận xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) xuất hiện nhiều bãi gửi xe, bãi xe tải gửi hàng hóa liên tỉnh tự phát, hoạt động với tần suất hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày. Theo phản ánh của người dân, đi sâu vào phía trong ngõ này có 2 bãi xe trái phép nhận hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ… với diện tích hàng nghìn m2/bãi và hàng trăm gian hàng của nhà xe. Đó là các bãi xe có tên “Bãi xe A280”, “Bãi xe B280”.
Cách đó không xa, ngay trên mặt đường Nguyễn Xiển có các bãi xe tải chuyên chở hàng hóa có tên “ôtô 288 Nguyễn Xiển” và “Tuấn Sơn 310” phía trong có hàng chục xe tải ra vào nhận hàng.
Cách ngõ 280 Nguyễn Xiển về phía Nghiêm Xuân Yêm khoảng 1km có 1 khu đất rộng khoảng 500m2 hiện đang được sử dụng làm bãi xe, cửa hàng bán hoa cây cảnh có treo biển “T-99”. Cạnh bãi này tại số 16 Nghiêm Xuân Yêm, Thanh Liệt, Thanh Trì là khu nhà xưởng, điểm bán và giới thiệu sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát. Hoạt động của bãi xe này cũng rất nhộn nhịp với hàng trăm lượt xe tải đến giao và nhận hàng hằng ngày.
Phóng viên Người Đưa Tin tiếp tục tiếp cận ngõ 300 Nguyễn Xiển, đây là một con đường khổ rộng 5m, hiện trạng xuống cấp, đầy ổ voi, ổ gà. Hai bên xung quanh là các lô đất được xé nhỏ làm các nhà xưởng, nhà kho lớp tôn, bãi trông giữ xe, gara ô tô, cửa hàng vật liệu xây dựng,…. Đặc biệt là việc xuất hiện một trạm trộn bê tông quy mô ngay tại khu vực này.
Theo tìm hiểu, đây là trạm trộn bê tông Việt - Tiệp được xây dựng và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Kể từ khi đi vào hoạt động đường xá nơi đây xuống cấp bởi xe quá tải chạy suốt ngày đêm; tiếng còi, tiếng máy móc kêu inh ỏi, trạm trộn bê tông không thực hiện các nghĩa vụ về môi trường, nước thải không qua xử lí ngang nhiên thải ra xung quanh gây ô nhiễm môi trường…
Đáng chú ý trạm trộn bê tông Việt - Tiệp còn có dấu hiệu làm trái các quy định về sử dụng đất đai. Hiện cơ sở này vẫn chưa được cấp Giấp phép hoạt động. Tuy nhiên, điều kì lạ là cơ sở nhiều năm hoạt động công khai và đã được người dân, cơ quan báo chí phản ánh mà không bị cơ quan chứa năng nào xem xét, xử lý?
Bãi rác lạ giữa Thủ đô
Khi ghi nhận trực tiếp về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Trì, Người Đưa Tin còn bàng hoàng phát hiện một bãi rác khổng lồ ngay tại khu đất dự án nằm ở địa giới giáp giữa phường Đại Kim (Hoàng Mai) và xã Tân Triều (Thanh Trì) của Hà Nội. Theo phản ánh từ người dân, nhiều năm qua đây đã trở thành địa điểm tập kết rác thải, chủ yếu là phế thải xây dựng.
Theo đó, đi sâu tới cuối đường Tân Triều gần UBND xã Tân Triều, bằng mắt thường cũng có thể phát hiện thêm bãi rác rộng hàng nghìn m2, cũng trên đất dự án chưa triển khai. Bên bờ phải con mương gần đó, rác chất đống thành một bức tường cao ít nhất hơn 2m. Phía sau bức tường ấy là cả một khu đất dài hơn 150m và rộng hơn 100m, chỉ toàn phế thải.
Bên cạnh là khu vực bãi rác phế thải, địa điểm này lâu nay trở thành “bãi đáp” lý tưởng để các con nghiện ở xung quanh khu vực ghé qua hút, chích ma túy.
Tận mắt chứng kiến “bãi đáp” của những đối tượng sử dụng ma túy, chúng tôi không khỏi rùng mình. Ống kim tiêm, lọ nước cất bằng thủy tinh sử dụng xong bỏ la liệt trên bãi cỏ và ngay chính giữa con đường mòn dẫn vào bãi đất trống.
Theo bản đồ quy hoạch huyện Thanh Trì, Hà Nội đến năm 2030, đáng lý khu đất này sẽ trở thành bãi giữ xe kết hợp trồng cây xanh bên cạnh Khu đô thị Tây Nam nhưng thực tế không hiểu vì lý do gì lại trở thành một bãi rác khổng lồ gây hủy hoại môi trường và tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự.
Điều đáng nói là hiện trạng này đã diễn ra một thời gian dài ngay gần UBND xã Tân Triều.
Đón đọc bài 2: Hai bãi xe “khủng” trái phép chỉ nằm ngay cạnh UBND xã.
Mạnh Quốc - Phạm Tùng.