Du lịch khởi sắc giúp kinh tế nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hồi phục nhanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 14-12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á do tác động của tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhu cầu của thế giới chậm lại và cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong ấn bản bổ sung định kỳ của báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022.
Lạm phát ở châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương cũng được dự báo giảm từ 4,5% xuống còn 4,4% trong năm nay và tăng từ 4,0% lên 4,2% năm sau, do áp lực lạm phát kéo dài từ giá năng lượng và thực phẩm.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của ADB cho Đông Nam Á trong năm nay đã được nâng từ mức 5,1% lên 5,5%, trong bối cảnh tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Bước sang năm 2023, mức tăng trưởng có thể giảm lại từ 5% xuống còn 4,7% do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Với thị trường Việt Nam, chuyên gia của ADB cho rằng mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng.
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm nay. Lạm phát năm 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.
Tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Tháng 9 vừa qua, ADB đã dự báo nền kinh tế khu vực dự kiến tăng trưởng 4,3% cho năm 2022 và 4,9% vào năm sau, do ảnh hưởng từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và trong khu vực, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: "Châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi có nghĩa là đà phục hồi sẽ chững lại khi bước sang năm mới.
Chính phủ các nước sẽ cần hợp tác chặt chẽ hơn để vượt qua những thách thức kéo dài của COVID-19, chống lại tác động của giá lương thực và năng lượng cao, đặc biệt là đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương và bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn diện và bao trùm".
TTO - Lãi suất trái phiếu tăng đã dẫn tới lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc sụt giảm 2% trong quý 3-2022.