vĐồng tin tức tài chính 365

Xóm trọ những giấc mơ đổi đời

2022-12-24 13:03
Xóm trọ những giấc mơ đổi đời - Ảnh 1.

Bà Kim Dung cùng cụ Võ Thị Nuôi (80 tuổi) đỡ đần nhau vượt qua khó khăn - Ảnh: B.D

Tụi tui thấy các cụ già, run lẩy bẩy, chân đi không vững rồi mà vẫn ra phố bán vé thấy thương lắm, đau lòng như chính cha mẹ mình nên giúp được chi thì cứ giúp, cùng phận đời như nhau cả.

Bà LÊ THỊ KIM DUNG

Ở đó, ngoài việc nuôi hy vọng đổi đời cho người chơi số, người đi ở trọ cũng nhọc nhằn ôm cho mình những giấc mơ riêng với tương lai tươi sáng...

15h, dãy phòng trọ sâu trong con hẻm đường Nguyễn Thiện Kế, quận Sơn Trà bắt đầu náo động. Khoảng thời khắc đoàn tụ duy nhất của những người làm nghề bán vé số, để rồi sau đó mỗi người lại túa đi một hướng lẫn vào quán xá trong hành trình mưu sinh.

Những "gia đình vé số"

Chúng tôi ghé vào căn phòng nằm giữa khu trọ - nơi có một "đại gia đình" ba thế hệ từ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đến Đà Nẵng mưu sinh bằng nghề vé số ngót bốn năm. Căn phòng rộng chỉ chừng 10m2, đủ kê một tủ quần áo xếp, chiếc bếp gas, khoảng trống còn lại dành để nhét kín ba chiếc giường làm chỗ ngả lưng.

Chị Phan Thị Thu, người phụ nữ bề ngoài ưa nhìn, trắng trẻo tới mức chẳng ai dám nghĩ là một người làm nghề bán vé số. Vừa đặt chân về đến nhà, chị Thu đã ngồi bệt ra nền xi măng, thấm nước bọt kiểm tra lại mớ vé số. Hôm nay, chị bán được gần 200 tờ. Mỗi tờ được chiết khấu lại 1.200 đồng, chị kiếm được hơn 200.000 đồng. 

6 con người đang chen nhau trong căn phòng chật chội, bức bối đều là người trong một nhà gồm chị, một cậu con trai, cặp vợ chồng là ba mẹ chị cùng vợ chồng người em gái ruột.

Quê ở huyện Ia Grai, Gia Lai, chị Thu nói mấy năm trước cả nhà hùn vốn mở đại lý ký gửi nông sản cho bà con trong vùng nhưng khi làm ăn lớn thì vỡ nợ. Không còn đường lùi, bố mẹ, em gái lẫn mẹ con chị phải lắng xuống Đà Nẵng bán vé số, làm lại mọi thứ từ số 0.

"Nhưng sao lại chọn nghề vé số?". Nghe câu hỏi này, chị Thu im lặng một lúc rồi bảo chỉ có nghề vé số mới không cần vốn liếng. 

"Cũng nhiều việc để làm nhưng không nơi nào nhận một lúc 6-7 người trong một gia đình, có già và có trẻ cả. Mấy mẹ con tui quyết định ra đây xin đi bán vé số, lại được cho chỗ ở miễn phí nữa nên theo nhau mấy năm nay" - chị nói.

Dãy nhà trọ mà gia đình chị Thu ở chỉ là một trong nhiều khu nhà trọ của ông S., chủ một đại lý vé số ở quận Sơn Trà. Để san sẻ bớt phần khó khăn cho những người lao động nghèo, chủ đại lý này đã dùng các căn nhà của mình, rồi đi thuê thêm để chia phòng làm chỗ ở cho mọi người. 

Tất cả các căn phòng đều chật bưng, ở ít nhất từ 4-6 người. Nhưng với người bán vé số vậy là đã quá đủ, họ chỉ cần một chỗ ngả lưng bởi thời gian phần lớn là ngoài hè phố.

Chúng tôi gặp mấy chị em bà Phạm Thị Nhắn khi đang về ngả lưng chợp mắt cuối buổi chiều trước lúc ra đường đi bán lượt vé mới. 

Bà Nhắn quê xã Đại An, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), năm nay 78 tuổi, đã đi bán vé số mấy chục năm. Nhưng bà chưa phải là người già nhất trong phòng trọ 7m2, người lớn tuổi nhất là chị cả của bà, cụ Phạm Thị Lợi, năm nay 80 tuổi, cùng người em gái cụ Lợi là Phạm Thị Nhỏ cũng 78 tuổi.

Bà Nhắn không chồng, sống một mình trong vùng quê nghèo Đại An. Cụ Lợi thì chồng chết, hiện ở với con gái; bà Nhỏ - người chị kế của bà - có 4 đứa con nhưng bỏ học từ sớm rồi đi làm lao động, nhà chẳng lấy gì khá giả. Mấy chị em theo nhau ra trọ rồi đi bán vé số...

Xóm trọ những giấc mơ đổi đời - Ảnh 3.

Hành trình mưu sinh của những người bán vé số và những giấc mơ đổi đời - Ảnh: B.D.

Những giấc mơ chập chờn

Chúng tôi vào căn phòng trọ của 6 người bán vé số đều ở xã Bình Tú (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Sau một ngày lả mệt, họ trở về phòng trọ rồi nằm thiếp đi trên những tấm chiếu. 

Bà Lê Thị Kim Dung, 64 tuổi, mở bịch ni lông quấn miếng chân gà kèm vài cọng rau, rồi giở nồi cơm đã cắm sẵn ngồi ăn ngon lành. Bữa cơm, theo bà Dung, chỉ mua tổng cộng 10.000 đồng nhưng là tất cả những gì vào bụng để cầm hơi cho một ngày đi bán vé.

"Tụi tui đi bán vé số toàn thế cả, 10.000 đồng chỉ được cái chân gà với mấy miếng đồ rau chua, nhiều người bán quán họ thương cho thêm đồ ăn, tụi tui xin nước kho (nước nấu thịt, cá) rồi về tự nấu cơm trắng chan lên ăn thêm cho no" - bà Dung nói và kể một chi tiết làm chúng tôi xót xa: miếng chân gà 10.000 đồng nhưng được chia làm hai bữa: một bữa lúc 3h chiều lúc kết thúc công việc và bữa giặm lúc 1h sáng khi ca bán đêm kết thúc.

Bà Dung nói bà ăn khổ cực gì cũng được nhưng chỉ mong kiếm được tiền để nuôi chồng đang nằm một chỗ ở quê vì tai biến suốt 20 năm qua. Giấc mơ của bà chỉ đơn giản là ngày nào đôi chân cũng khỏe, không ốm đau để bán kiếm được 120.000 đồng/ngày gửi về nuôi chồng. 

6 người trong cùng phòng bà Dung còn cám cảnh hơn. Người thì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống lang thang rồi lấy xóm trọ vé số làm nơi thân thích. Có người thì chồng chết sớm, người đơn thân...

Chúng tôi còn được nghe bà con ở xóm trọ nơi bà Dung ở kể về một thành viên "đặc biệt" luôn được bà con ở trọ hết lòng giúp đỡ, cưu mang. Đó là Tùng "chết giả". Cái biệt danh "chết giả" này nghe tưởng khôi hài mà kỳ thực chua xót. Tùng mắc bệnh động kinh, mỗi lần đi bán vé về mệt là nằm giãy đành đạch như con gà vừa bị cắt tiết, miệng trào bọt mép nằm bất động hai ba tiếng như người đã chết rồi bỗng "sống lại" sau đó.

Tùng 41 tuổi, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Anh ra Đà Nẵng bán vé số mấy năm nay để nuôi con hiện đang học lớp 12. Ngày mới về trọ, bệnh "chết giả" này không ít lần làm bao người bạt vía, kinh hồn. Có người hoảng quá tưởng Tùng "chết thật" nên bốc lên xe cấp cứu chở đến bệnh viện. 

Nhưng lâu dần thấy quá quen nên mỗi lần Tùng lên cơn, người trong xóm trọ lại bế anh tới chỗ nằm, chườm nước, mớm sữa để anh "chết" 2 tiếng rồi Tùng lại lê lết bò dậy, lục lọi tìm cái ăn và tiếp tục đeo túi ra phố bán vé số.

Nghèo của mà lòng dạ không nghèo

Ở xóm trọ của bán vé số, mỗi người là một câu chuyện đầy nhọc nhằn nhưng họ sẵn lòng cưu mang nhau. Bà Lê Thị Kim Dung tâm sự đa số quần áo bà con mặc hằng ngày đều không phải mua, hễ ai đi bán vé số mà có người thương giúp là người đó kéo về rồi giới thiệu để giúp thêm hoặc chia lại cho người khốn khó hơn.

Xóm trọ có những nồi cơm chung được cắm đầy vung rồi chia phần cho các cụ lớn tuổi, các cụ được lấy cơm ăn miễn phí, được nhường chiếc giường và tấm chăn ấm nhất. 

"Tụi tui thấy các cụ già, run lẩy bẩy, chân đi không vững rồi mà vẫn ra phố bán vé thấy thương lắm, đau lòng như chính cha mẹ mình nên giúp được chi thì cứ giúp, cùng phận đời như nhau cả" - bà Dung trải lòng.

Cha ra hè phố, con vào giảng đường

Ngoài những cuộc mưu sinh kiếm cái ăn hằng ngày, có nhiều người cha, người mẹ ở các vùng quê nghèo chấp nhận ở trọ trong cảnh thiếu thốn đủ bề để nuôi con học đại học. Đó là ông Nguyễn Văn Anh, 59 tuổi (thôn Tú Ngọc B, Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam), hiện đang nuôi con trai là sinh viên đại học năm nhất một trường tại ĐH Đà Nẵng, hay bà Thu hiện cũng có đang học ĐH Duy Tân, Đà Nẵng...

Để cổ vũ tinh thần học hành, chủ các khu trọ này không chỉ cho cha mẹ vào ở trọ miễn phí để bán vé số mà con cái là sinh viên của họ cũng được đón vào ở tới khi nào ra trường, thành đạt thì mới thôi. Có người cha suốt 15 năm đi bán vé số, ở trọ trên đường Lê Hữu Trác nuôi đủ 3 con học đại học rồi ra trường tới nay đi làm nhưng cả ba cha con vẫn ở trọ cùng nhau trong căn phòng cũ.

Nơi họ ở không còn là xóm trọ nghèo mà là một tổ ấm đã nuôi lớn giấc mơ đổi đời gia đình.

Hè rộn vui ở những xóm trọHè rộn vui ở những xóm trọ

TTO - Hè, những sân chơi tuổi thơ rộn vang tiếng cười ở nhiều khu lưu trú công nhân, xóm trọ tại TP.HCM do các chiến sĩ tình nguyện mang đến.

Xem thêm: mth.765303232212202-iod-iod-om-caig-gnuhn-ort-mox/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xóm trọ những giấc mơ đổi đời”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools