"Chúng ta còn rất nhiều điều để nghiên cứu, tiếp tục khám phá về những góc cạnh Võ Văn Kiệt", các diễn giả đều thống nhất như vậy.
Nhà thơ Nguyễn Duy chống gậy đứng đọc lại say sưa hai bài thơ Bán vàng, Đánh thức tiềm lực mà cách nay hơn 40 năm ông đã từng đánh liều đọc như một cách bày tỏ nỗi bức bối trong lòng trước Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt.
Ông Phan Chánh Dưỡng kể những ngày nhóm "trí thức cũ" tụ nhau nói chuyện đời như để giết thời gian và quên đi thực tại đáng buồn, chẳng ngờ có ngày những cuộc nói chuyện lại được lãnh đạo lắng nghe.
"Ấy là cái đức dám lắng nghe của chữ Dân trong lòng ông Sáu", ông Nguyễn Duy tâm đắc nhắc. Chữ Dân - ông Võ Văn Kiệt đã chọn cho mình từ rất lâu, nhưng còn Dân, phía Dân?
Chợt nghĩ nếu không có những người dân như nhà thơ Nguyễn Duy, dẫu toát mồ hôi lo lắng "có khi nào bị ông bí thư xử lý" nhưng vẫn dốc lòng viết bài thơ đánh thức, vẫn dốc tâm bày biện cuộc tiếp xúc để đọc tận tai bí thư.
Nếu không có những người dân như ông Phan Chánh Dưỡng và anh em nhóm Thứ Sáu của ông, dẫu mang mặc cảm "người của chế độ cũ" vẫn không ngại đầu tư tâm lực của mình vào việc dân, việc nước dẫu chẳng có ai hứa hẹn thưởng khen.
Nếu không có những người dân như bà Phạm Chi Lan và các thành viên tổ tư vấn, dẫu chẳng có biên chế, chẳng có lương, vẫn ngày ngày ôm những chồng hồ sơ dày, chồng chéo phức tạp về nghiên cứu để tìm cho ra đường hướng giải quyết như tiêu chí của ông "có lợi nhất cho dân"...
Không có những người ấy, hẳn nhiên tầm nhìn sâu rộng của Võ Văn Kiệt sẽ chẳng thể sâu rộng, chẳng thể sâu sát như đã từng, những chính sách cũng chẳng thể biến đổi cuộc sống tốt đẹp hơn như thực tế đã diễn ra.
Chữ Dân cần tương tác từ hai phía là như vậy.
Làm lãnh đạo mà không bị bóng ma quyền lực che mờ lý trí, giữ được chữ Dân sâu đậm trong lòng mình, viết được chữ Dân đinh ninh lên những quyết sách, chính sách của mình thật khó. Người dân thể hiện được chữ Dân với tất cả trách nhiệm và quyền hạn của mình với cuộc sống, xã hội của mình lại cũng thật khó.
Nhưng không khó thì không phải cuộc đời. Vẫn có những lãnh đạo sáng trong, vẫn có những người dân dũng khí, người này tiếp người khác, lớp này tiếp lớp khác, cùng nhau khẳng định chữ Dân, từ ngày chữ dân còn lút chìm trong những giáo điều lý thuyết cho đến ngày chữ Dân lóng lánh rực sáng được Hiến pháp viết hoa.
Vậy nhưng lại vẫn có những lúc, nhiều lúc chữ Dân bị để quên, bị khuất lấp dưới những tư lợi, những tiêu cực, bởi cả quan quyền lãnh đạo lẫn bởi chính người dân. Vậy nên lại vẫn cứ phải có những lúc ngồi lại để nhắc nhau chữ Dân.
"Di sản của ông Sáu Dân, ông không mang đi mà đã để lại hết cho chúng ta. Chúng ta tha hồ tìm hiểu, nghiên cứu và nhất là hãy thực hiện đi, trong cuộc sống của mỗi người, để từ nay không ai còn phải than "Giá như còn ông Sáu..." nữa" - nhà báo Thế Thanh kết luận buổi trò chuyện như thế.
Di sản lớn nhất ấy vẫn chính là chữ Dân.
TTO - Những ngày trong đợt kỷ niệm 100 năm ngày sinh (23-11) cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt này, người đọc báo, đọc sách như được chiêu đãi một bữa tiệc những câu chuyện về ông 'chủ tịch gạo', ông 'bí thư xé rào', ông 'Thủ tướng điện', ông Sáu Dân...
Xem thêm: mth.71111533242212202-aihp-iah-ut-nad-uhc/nv.ertiout