Thị trường trong nước đã khép lại một tuần giảm điểm và đang ở cận dưới vùng tích lũy kể từ đầu tháng 12. Thanh khoản sụt qua từng phiên và khối ngoại chững đà mua ròng là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Đâu là góc nhìn của ông/bà về tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Qua hơn 2 tuần giao dịch điều chỉnh giảm với vùng hỗ trợ mạnh 1.005 – 1.015 điểm, cơ hội cho thị trường hồi phục bật tăng trở lại từ mốc 1.020 điểm không phải là không có cơ sở.
Thanh khoản sụt giảm hay khối ngoại chững đà mua ròng sau 2 tháng mua mạnh (tháng 11 mua ròng hơn 15 nghìn tỷ đồng, tháng 12 mua ròng hơn 9.000 tỷ đồng) cũng là điều dễ hiểu, thị trường điều chỉnh tích lũy tiếp tuần cuối tháng cũng không là điều bất ngờ. Tuy nhiên, việc tăng bật từ vùng hỗ trợ này cũng sẽ là điểm nhấn tích cực cho TTCK sau 1 năm nhiều biến động.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Chứng khoán Việt Nam trải qua tuần thiếu vắng thông tin tạo ra sự lưỡng lự giữa cả bên mua và bán. Trên chỉ số VN-Index khung tuần, mẫu nến giảm với biên độ lớn phủ nhận hoàn toàn trạng thái cân bằng, kéo theo quán tính điều chỉnh sang tuần sau. Điểm tích cực đến từ việc thanh khoản bán giảm dần và điểm số được neo giữ trên đường tín hiệu trung bình 10 ngày ở biểu đồ tuần (quanh vùng 1.010 điểm).
Chúng tôi đánh giá cao vị thế nến tuần Marubozu phá vỡ xu hướng trong tuần cuối tháng 11. Trong bối cảnh vị thế này chưa bị vi phạm, DSC đánh giá thị trường vẫn trong một pha sóng tăng trưởng với nhịp điều chỉnh lành mạnh.
Thống kê trong hơn 20 năm giao dịch của chỉ số VN-Index, nếu xét hiệu suất đầu tư trong 1 tháng, thì nếu mua vào tháng 12 nhà đầu tư sẽ có hiệu suất giao dịch ấn tượng nhất trong năm. Đồng nghĩa rằng trong tuần cuối năm, nhà đầu tư chuyên nghiệp không nên để tâm lý nghỉ Tết ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch, tiếp tục duy trì chiến lược của mình và nắm giữ các cổ phiếu còn dư địa tăng giá.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Xu hướng sẽ khó có khả năng đột phá mà có thể dao động trong biên độ hẹp trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài nghỉ lễ và các nhà đầu tư khác có xu hướng thận trọng trước khi bước sang năm mới.
Trong năm qua, có thể thấy, nhà đầu tư đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ trạng thái hưng phấn cực độ khi thị trường chạm đỉnh thì sau đó đã rơi vào sự bi quan cùng cực. Một cách tổng quan, đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biến thị trường trong năm 2023?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Ông Lê Đức Khánh |
Năm 2023 bất chấp những dự báo bi quan cũng như lo ngại về tình hình suy thoái của nhiều nước phát triển Mỹ, Châu Âu, Châu Á..., nhưng sự khác biệt về quy mô, trạng thái cũng như giai đoạn phục hồi hay tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Việt Nam cũng có thể khiến chúng ta có những góc nhìn có phần ưu ái hơn để có thể cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn là điểm sáng so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Cơ hội cho quá trình phục hồi của thị trường sau khi chạm đáy sâu nhất giai đoạn vừa qua với kịch bản lạc quan hơn - VN-Index có thể quay lại mốc 1.200 - 1.300 điểm là điều có thể dễ hình dung. Nếu đánh giá dưới góc độ chu kỳ kinh tế, quá trình vận động của TTCK 2022 là năm "tệ" với chứng khoán Việt Nam thì 2023 sẽ là 1 năm tích cực hơn.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Trong hai nhịp sóng hồi tháng 11, có thể thấy mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân là rất hạn chế. Ở đoạn nhịp hồi quá bán, đa phần tâm lý số đông sợ hãi và kỳ vọng những ngưỡng thấp hơn của VN-Index. Còn trong nhịp nước ngoài mua ròng mạnh, giá được kéo lên quá nhanh.
Do đó nhịp điều chỉnh, tích lũy này có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân còn lỡ sóng. Để đón được đợt sóng tiếp theo (nếu có; cần theo dõi FED) một cách tốt nhất, nhà đầu tư cần đoán được khẩu vị nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Sau COVID, nhóm nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường có xu hướng đánh theo dòng tiền. Cân nhắc yếu tố trên, DSC đánh giá một số nhóm ngành có thể có sóng do có xúc tác (catalyst) cuối năm có thể kể đến như sau:
Ngân hàng: Được cấp thêm room tín dụng cuối năm và mở room khi bước qua năm mới. Ngân hàng tạo đỉnh/đáy trước thị trường chung. Cần chú ý chất lượng tài sản của các Ngân hàng trước khi tham gia.
Chứng khoán: Là nhóm ngành luôn được nhà đầu tư cá nhân ưa thích khi thanh khoản sôi động trở lại & thị trường diễn biến tích cực.
Thép: Kỳ vọng giá thép thế giới phục hồi trở lại sau khi Trung Quốc giải cứu thị trường bất động sản và mở cửa thị trường. Trong nước kỳ vọng giải ngân gói đầu tư công.
Nhóm đầu tư công: Kỳ vọng giải ngân đầu tư công đi vào thực tiễn trong thời gian tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Xu hướng nửa đầu 2023 có thể chưa có nhiều tích cực khi mà dư âm 2022 vẫn còn. Thị trường quốc tế vẫn còn bị áp lực bởi chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu của nhiều NHTW đặc biệt là các NHTW lớn. Bên cạnh đó, nỗi lo suy thoái và nhiều tổ chức cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại trong năm mới từ đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và TTTC trong nước.
Tuy nhiên, nửa cuối 2023, kỳ vọng xu hướng sẽ tích cực hơn khi lạm phát dự báo đạt đỉnh và các NHTW có thể vẫn chưa hạ lãi suất, nhưng có thể sẽ bớt dần sự siết chặt và nới lỏng bớt các chính sách để hỗ trợ kinh tế. Đồng thời, lực bắt đáy cũng như cơ hội mua giá rẻ hiện hữu sẽ giúp dòng tiền dần quay trở lại.
Đã qua giai đoạn tiền rẻ, nhưng với quy định mới về trần lãi suất huy động 9,5% liệu có thể hỗ trợ, giải quyết bài toán thanh khoản của TTCK như thế nào, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Lạm phát Mỹ có dấu hiệu đạt đỉnh, FED dự kiến tăng lãi suất vài đợt trước khi lãi suất chạm đỉnh. Câu chuyện tỷ giá, áp lực về tăng lãi suất, chính sách tiền tệ bớt căng thẳng hơn cũng sẽ khiến nền kinh tế bớt "nóng". Giai đoạn bình thường mới cũng sẽ sớm được thiết lập để chuẩn bị cho 1 chu kỳ phát triển mới khi hoạt động dịch vụ, xuất nhập khẩu, hoạt động chế biến chế tạo, hoạt động thu hút FDI, đầu tư công sẽ những bước tiến mới hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế chung.
Nền kinh tế ổn định hơn cũng là lúc niềm tin nhà đầu tư cũng quay trở lại, thanh khoản, dòng tiền được điều tiết và quay trở lại kênh cổ phiếu, trái phiếu. Thanh khoản của TTCK cũng sẽ được cải thiện tốt đặc biệt khi lãi suất huy động giảm, các nút thắt thanh khoản được gỡ bỏ.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Ông Trương Thái Đạt |
Diễn biến áp trần lãi suất huy động 9,5% của NHNN, dù có mục đích chính là chặn đứng cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng có mức LDR thấp, nhưng vẫn giúp giải tỏa áp lực cạnh tranh dòng tiền giữa kênh đầu tư chứng khoán và kênh tiền gửi tiết kiệm. Qua đó, phần nào giúp dòng tiền trong nước trên thị trường chứng khoán dồi dào hơn.
Tuy nhiên, tác động thực sự từ các chính sách điều hành có thể còn là dấu hỏi. Ngay khi lãi suất liên ngân hàng sụt giảm, Ngân hàng nhà nước đã có các biện pháp rút ròng trên thị trường mở. Rõ ràng các chính sách điều hành vẫn còn dè dặt, ưu tiên cân đối giữa các yếu tố thanh khoản thị trường, tỷ giá, và lạm phát, chứ chưa nhằm mục đích tăng trưởng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Điều này hỗ trợ thị trường phần nào, đặc biệt cải thiện tâm lý đầu tư, tuy nhiên thị trường ngắn hạn có thể chưa có diễn biến tích cực ngay được vì có độ trễ cũng như cần có các yếu tố hỗ trợ khác cũng như kích hoạt các dòng tiền mới. Bên cạnh dòng tiền thì thị trường còn cần thấy mức độ tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp dần tích cực hơn thì sự hỗ trợ mới được bền vững.
Trong giai đoạn gần đây, không có nhóm ngành nào giữ được nhịp tăng bền vững và dòng tiền luân phiên chuyển qua các ngành. Nhóm cổ phiếu sản xuất điện đang nhận được sự quan tâm của thị trường, nhưng liệu có giữ được nhịp hồi phục trong tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Có những lúc nhà đầu tư đã nghĩ rằng nhóm cổ phiếu thép, nhóm chứng khoán hay dầu khí, mía đường... có mức tăng tốt, nhưng cuối cùng dòng tiền lại vẫn dịch chuyển giữa các nhóm ngành với tốc độ nhanh hơn - đây cũng là đặc điểm của các pha điều chỉnh trung gian kéo dài từ 2 - 4 tuần hoặc kéo dài vài tháng.
Nhóm tiện ích hay cụ thể là nhóm cổ phiếu điện được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ vẫn thường giữ giá hoặc có tín hiệu khởi sắc hơn cả đặc biệt nổi trội ở 1 số giai đoạn thị trường vận động không xu hướng, giai đoạn downtrend hay môi trường lạm phát tăng.
Tất nhiên nhìn tổng thể vẫn chỉ 1 số ít cổ phiếu như NT2, PC1, VSH... giữ giá tốt hoặc tăng giá ấn tượng hơn trong khi các cổ phiếu khác thì không - Có lẽ vẫn chỉ vài cổ phiếu cụ thể của ngành có diễn biến tích cực - hiệu quả kinh doanh, tiềm năng trong giai đoạn tới vẫn là yếu tố quyết định cung cầu cổ phiếu.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Phiên cuối tuần dòng tiền có định hướng sang các cổ phiếu thuộc nhóm ngành điện, đây không hẳn là động thái phòng thủ tài khoản và chuyển sang mua các các cổ phiếu phi chu kỳ. Đây là sự vận động mang tính chất đầu cơ do thông tin quy hoạch điện 8 được trình chính phủ thông qua lần thứ 7. Hơn nữa tôi đánh giá nhóm ngành điện của thị trường Việt Nam đang được định giá mức “kỳ vọng tăng trưởng”, chứ không còn là nhóm ngành “giá rẻ và phòng thủ”.
Đánh giá về quy hoạch mới ngành điện thì chưa có cơ hội đầu tư cụ thể, thay vào đó có thể nhìn sang khía cạnh ngành Dầu khí. Nếu nhìn qua ngành Dầu khí, khi Lô B - Ô Môn nhận được quyết định đầu tư cuối cùng thì mấy công ty ở thượng nguồn sẽ được hưởng lợi, như PVD, PVS, hoặc GAS. Tuy nhiên tiến độ thì vẫn chưa khả quan do còn vướng nhiều khâu pháp lý.
Theo thông tin chính thức thì quyết định đầu tư cuối cùng chậm nhất trong tháng 6/2023 và thời điểm phát triển mỏ khí Lô B có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào quý IV/2026.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Hiện chủ yếu dòng tiền thị trường mang tính lướt sóng là nhiều, do đó cũng khó kỳ vọng 1 ngành nào duy trì sự tích cực trong thời gian dài được. Việc phục hồi 1-2 tuần vẫn có khả năng vì đó là ngắn hạn.
Ông Phan Dũng Khánh |
Tuần trước chúng ta có đề cập đến việc đón đầu các nhóm ngành có thể được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chưa thể có những phản ứng ngay với những cổ phiếu, hay doanh nghiệp liên quan đến câu chuyện trên. Vậy ở thời điểm hiện tại, đâu là chiến lược phù hợp, theo các ông/bà.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Nếu thị trường vào xu hướng lên xác nhận thì cũng không muộn đối với nhà đầu tư ưa thích chiến lược giao dịch tích cực - Nếu thị trường vận động đi ngang hoặc giao động trong biên độ hẹp không xu hướng thì việc kiểm soát tỷ trọng, số lượng mã nắm giữ lại là đều được ưu tiên hơn.
Giai đoạn này phù hợp với chiến lược đầu tư với tầm nhìn 3 - 6 tháng tới hơn là việc cuối theo các giao dịch ngắn hạn. Thời điểm hiện là lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng, những cổ phiếu triển vọng để có thể đưa ra kết hoạch mua tập trung hoặc sẽ giao dịch trong giai đoạn thị trường sôi động sắp tới.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Theo đánh giá, thị trường Trung Quốc có thể hoàn toàn mở cửa trở lại trong 6-9 tháng nữa. Với thị trường Trung Quốc mở cửa, DSC kỳ vọng (1) nhu cầu tiêu thụ hàng Việt Nam từ Trung Quốc gia tăng, (2) giá bán một số mặt hàng như nguyên vật liệu sẽ được cải thiện và (3) nguồn cung sản phẩm dồi dào hơn, cải thiện tình trạng lạm phát trên thế giới.
Tuy nhiên, sự hưởng lợi cần khoảng thời gian để phản ánh đến doanh nghiệp. Trong khi đó, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp như giá nguyên vật liệu đang gặp khó khăn để duy trì đà tăng. Lý do chính là bởi các vướng mắc trong quá trình nới lỏng chính sách Covid Zero tại Trung Quốc, một số ước lượng cho rằng quốc gia này có 1 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày. Đây có thể là lý do chính khiến cho các chỉ số chứng khoán châu Á hồi phục thiếu ấn tượng, và cũng là lý do khiến các doanh nghiệp và cổ phiếu liên quan tại Việt Nam chưa thể hưởng lợi ngay.
Chúng tôi vẫn đánh giá 2 ngành có thể hưởng lợi gián tiếp từ Trung Quốc mở cửa là ngành sản xuất nguyên vật liệu và ngành vận tải dầu khí. DSC đánh giá ngành vận tải dầu khí sẽ được hưởng lợi từ 2 yếu tố: lệnh trừng phạt Nga của các nước phương Tây và Trung Quốc mở cửa thị trường, tái khởi động sản xuất.
Sau khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra, ngày 3/6, EU tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu dầu khí từ Nga sau ngày 5/12. Tính đến hết tháng 10, Hà Lan là nước EU duy nhất còn mua dầu khí từ Nga. Do yếu tố trên, Nga bắt buộc phải chuyển hướng bán dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, kéo dài quãng đường vận chuyển và tăng cước vận chuyển. Tính đến cuối tháng 11, cước vận tải dầu đã tăng 250% hay gấp 2,5 lần so với giá năm 2021.
Với Trung Quốc mở cửa trở lại, DSC đánh giá nhu cầu tiêu thụ năng lượng của quốc gia này sẽ tăng vọt, từ đó lại tăng nhu cầu vận tải dầu về Trung Quốc, tạo thêm áp lực tới giá cước vận tải hiện đã sẵn cao. Do đó, chúng tôi đánh giá ngành vận tải dầu sẽ được hưởng lợi rất lớn trong giai đoạn 1 năm tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Với dòng tiền chảy nhanh qua các ngành như hiện nay, việc đón đầu cũng rất dễ bắt hụt, chưa kể khả năng dự đoán sai cao hơn do chu kỳ ngắn hơn. Do đó, với nhà đầu tư có ý định lướt sóng chỉ nên sử dụng tỷ trọng vốn nhỏ, không margin lúc này để đầu tư, nhất là giai đoạn cận Tết thường khó có sự đột phá mạnh.