vĐồng tin tức tài chính 365

Chọn cổ phiếu cho năm mới

2022-12-26 14:02

Tâm lý thận trọng, dù kỳ vọng “kéo” NAV

Tâm lý nhà đầu tư trong tuần giao dịch vừa qua có phần thận trọng, đặc biệt sau cuộc họp quyết định lãi suất cuối năm 2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và phiên đáo hạn phái sinh tháng 12. Bên cạnh đó, VN-Index đã phục hồi hơn 20%, không ít cổ phiếu có giá cao hơn 50 - 60% so với đáy, nên hoạt động chốt lời ngắn hạn gia tăng, dù khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Ngoài ra, một bộ phận nhà đầu tư bắt đúng đáy nghỉ Tết sớm, tạm thời rút tiền ra gửi ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Trong khi đó, khối công ty chứng khoán thường thu hẹp hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) trước khi kết thúc năm tài chính, ảnh hưởng một phần đến dòng tiền trên thị trường.

Nhìn ở góc độ phân tích kỹ thuật, ông Trương Quốc Hưng, Bộ phận Phân tích chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, VN-Index đang dao động quanh ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50 và mức Fibonacci 38,2% của nhịp hồi phục kể từ giữa tháng 11. Do đó, ở những phiên thanh khoản tăng, chỉ số thường giảm điểm và ngược lại, thanh khoản giảm, chỉ số lại tăng.

Theo MBS, trong kịch bản thị trường để mất ngưỡng MA50 hoặc vùng tích lũy vừa qua, áp lực bán sẽ gia tăng, kéo theo thanh khoản tăng. Thực tế, thị trường đã điều chỉnh 4 phiên liên tiếp tính đến ngày 21/12, bất chấp sắc xanh ở nhóm bluechips và khối ngoại mua ròng.

Về mặt kỹ thuật, diễn biến tăng phiên sáng, giảm phiên chiều, chỉ số ở phía trên ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50 và dưới vùng tích lũy từ đầu tháng 12 phù hợp với các giao dịch trên cơ sở cổ phiếu có sẵn trong tài khoản, chưa phải là thời điểm hợp lý để thực sự giải ngân.

Cuối năm là thời điểm các tổ chức đầu tư chốt số liệu giá trị tài sản ròng (NAV), nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, áp lực phải có số liệu đẹp của các quỹ là lực đẩy giá cổ phiếu trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022. Trước đây, động thái “kéo” NAV đã nhiều lần giúp thị trường có những biến động tích cực trong những phiên kết năm tài chính.

Về giao dịch của khối ngoại, nhìn lại 5 năm qua, khối này mua ròng trong 10 phiên cuối cùng trên sàn HOSE tổng cộng 3/5 lần, với quy mô hơn 3.100 tỷ đồng và VN-Index ghi nhận mức tăng điểm 4/5 lần. Biến động trong tuần cuối năm 2022 đang là ẩn số, nhưng sự hỗ trợ của khối ngoại là điều mà thị trường đang nhận thấy khá rõ khi liên tục mua ròng trong hơn 1 tháng qua.

Mặc dù vậy, không phải cổ phiếu nào cũng được hưởng lợi từ động thái mua ròng của khối ngoại và hoạt động “kéo” NAV của các tổ chức đầu tư, vì số mã được kéo không nhiều và động thái này mang tính chất thời điểm, ngắn hạn, chứ không phải yếu tố bền vững.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT lưu ý, trong quá khứ từng có hiệu ứng chốt NAV cuối năm, cuối quý, nhưng tác động thường ngắn hạn và không phải lúc nào cũng xảy ra. Hiện tại, trong bối cảnh diễn biến thị trường chứng khoán khó lường, nhà đầu tư nên duy trì tâm lý thận trọng.

Chọn cổ phiếu tiềm năng cho năm 2023

Thị trường năm 2023 được kỳ vọng sẽ khả quan hơn khi đang xuất hiện các thông tin tích cực.

Thị trường năm 2023 được kỳ vọng sẽ khả quan hơn khi Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động và cho vay; Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công từ 10 - 12 tỷ USD/năm trong 3 năm tới và mở rộng quỹ đất khu công nghiệp lên 210.000 ha vào năm 2030 để thu hút tối đa ngoại lực, FDI chất lượng cao; Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 mang lại triển vọng hoạt động cho không ít lĩnh vực...

Về các nhóm ngành và cổ phiếu được kỳ vọng cho năm 2023, Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công là vật liệu (HPG, PLC); nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc thu hút FDI là bất động sản khu công nghiệp (GVR, PHR, SZC); nhóm tiêu dùng thiết yếu (VNM, PLX, POW) và công nghệ (FPT) cũng đáng quan tâm.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Đầu tư, Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội cho biết, một số nhóm ngành được kỳ vọng tạo điểm nhấn trong năm 2023 mà thời gian gần đây thị trường nhắc đến nhiều là nhóm đầu tư công. Nguồn vốn đầu tư công hiện đã sẵn sàng, chỉ cần đợi các thủ tục cần thiết là có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các nhóm ngành vật liệu, thép, xây dựng, khu công nghiệp từ đó sẽ được hưởng lợi.

Theo ông Bình, các nhóm ngành trụ như ngân hàng, chứng khoán vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường và cổ phiếu hiện ở vùng định giá thấp so với lịch sử. Trong năm tới, nhu cầu tăng vốn của một số ngân hàng và công ty chứng khoán sẽ gia tăng, thu hút dòng vốn vào các ngành này.

Trong khi đó, VNDIRECT nhận định, Trung Quốc dự kiến mở cửa nền kinh tế trong quý II/2023, khi đó sẽ có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, hàng không, xuất khẩu (nông sản, thủy sản, sợi, thép, xi măng…).

Ngược lại, ngành phân bón có thể chịu tác động tiêu cực do gia tăng áp lực cạnh tranh. Trong ngắn hạn, cổ phiếu của các doanh nghiệp được hưởng lợi có thể diễn biến tích cực nhờ tâm lý nhà đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, các tác động trong thực tế và chuyển biến về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không đến ngay lập tức, mà có thể phải chờ đến nửa sau của năm 2023 mới bắt đầu phản ánh rõ nét.

Thuỷ sản là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang các quốc gia khu vực, trong đó Trung Quốc đứng vị trí thứ hai về nhập khẩu, với kim ngạch 1,6 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022 (Mỹ đứng thứ nhất với hơn 2 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu). Vì vậy, khi Trung Quốc tiến hành mở cửa từng giai đoạn, nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi dần.

Cao su cũng là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với giá trị gần 3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Với bối cảnh Trung Quốc cam kết phục hồi tiêu dùng, ổn định nền kinh tế bằng các chính sách mở cửa theo lộ trình, giá cao su được kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới.

Với nhóm hàng không, du lịch, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và nối lại các đường bay thương mại sẽ giúp Việt Nam gia tăng sản lượng khách quốc tế qua các cảng hàng không. Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ, vận tải gia tăng công suất và sản lượng phục vụ, khôi phục lợi nhuận.

Về khu công nghiệp, dòng vốn FDI năm 2022 ước tăng khoảng 15% so với năm 2021, nhiều dự án được triển khai và vị thế của Việt Nam trong khu vực gia tăng, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp dòng vốn tại các khu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023.

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang vận động theo kiểu “nước lên, thuyền lên”, chưa có sự phân hóa theo yếu tố dài hạn, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu đầu ngành thuộc VN30. Khi xu hướng thị trường tích cực trở lại, đó sẽ là các mã nằm trong nhóm tăng giá đầu tiên.

Xem thêm: lmth.484213tsop-iom-man-ohc-ueihp-oc-nohc/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Chọn cổ phiếu cho năm mới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools