Hôm nay (26/12), tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương, Bộ Công Thương cho biết dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
"Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Công Thương, dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5-9%).
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ngoài ra, ngành dầu khí đã đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng.
Liên quan đến thương mại điện tử, Bộ Công Thương quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra một số tồn tại của Ngành trong năm 2022 như: Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến ta vẫn tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.
Mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.
Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.67021556162212202-dsu-yt-037-touv-man-teiv-uahk-pahn-taux/et-hnik/nv.vtv